Viện kiểm sát Cần Thơ ban hành cáo trạng truy tố nhóm Báo Sạch

Ngày 9 tháng 9, Viện kiểm sát huyện Thới Lai, Cần Thơ, ban bố cáo trạng truy tố năm thành viên của nhóm Báo Sạch, dưới tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Theo cáo trạng của viện kiểm sát Thới Lai, nhóm Báo Sạch đã đăng tải các thông tin "có tư tưởng mang tính phản động, đi sâu khai thác những thông tin có nội dung không phù hợp với lợi ích đất nước, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân".

Ngoài ra, một thành viên của nhóm Báo Sạch là Trương Châu Hữu Danh còn bị cáo buộc là đăng tải các bài viết "tạo sự tham gia tương tác của các đối tượng xấu trên môi trường mạng; tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng, nói xấu nghiêm trọng đối với tổ chức Đảng và Đảng bộ các địa phương."

Ngoài ra, báo chí Nhà nước còn cho đăng tải các bài viết quy kết nhóm Báo Sạch nhận tiền của doanh nghiệp để viết bài.

Năm thành viên của nhóm Báo Sạch bị truy tố gồm: Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Thanh Nhã , Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Phước Trung Bảo, và Lê Thế Thắng. Trong đó chỉ có ông Lê Thế Thắng là đang được tại ngoại, bốn người còn lại đã bị bắt giam.

Điều 331 của Bộ Luật Hình sự quy định tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Điều luật này bị nhiều luật sư và các tổ chức nhân quyền chỉ trích là mơ hồ và được sử dụng như "công cụ nhằm bịt miệng những tiếng nói bất đồng."

Tổ chức Phóng viên Không biên giới đã kêu gọi nhà nước Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các thành viên của nhóm Báo Sạch, và kết luận Việt Nam là một trong những quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới. Theo CPJ, tính đến tháng 1/2021, Việt Nam đang giam giữ ít nhất 15 nhà báo.

Luật sư Đặng Đình Mạnh vào chiều ngày 9/9 trong trả lời Đài Á Châu Tự do đưa ra nhận định về hai điều luật 331 và 117 của Việt Nam như sau:

“Tổng quát có hai điều khoản thực ra (cả hai) là một: đó là 331 và 117. Hai điều này văn thức có khác nhau nhưng thực ra là một: nếu muốn áp dụng nhẹ thìa áp dụng Điều 331, nếu muốn áp dụng hình thức nặng hơn thì áp dụng Điều 117. Vấn đề này thì học thuật có thể biết ngay; thậm chí có một lần chúng làm việc bên Quận tám về 3 trường hợp bị truy tố với Điều 331, điều tra viên nói rất thẳng: nếu họ muốn nhẹ thì kết án theo Điều 331, còn muốn nâng nặng lên thì đẩy lên Điều 117. Cả hai điều đều tựu trung nhằm giới hạn quyền tự do ngôn luận của người dân. Những điều này lẽ ra không có vì đi ngược lại Hiến pháp của chính VN vì người dân được quyền chỉ trích các chính sách bị cho đi ngược lại lợi ích đất nước, dân tộc. Những phát biểu của họ như thế không thể bị cho là chống lại Nhà nước.”