Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ chạy thử từ ngày 1/11 trước khi bàn giao cho TP Hà Nội

Trước ngày bàn giao dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông cho thành phố Hà Nội khai thác thương mại, tổng thầu EPC của Trung Quốc phải cho đoàn tàu chạy thử liên tục, bắt đầu từ ngày 1/11.

Phó thủ tướng Việt Nam Lê Văn Thành đã đưa ra yêu cầu trên và Bộ Giao thông Vận tải trong ngày 1/11 đã đề nghị tổng thầu Trung Quốc thực hiện đúng việc chạy thử đoàn tàu trước khi bàn giao cho TP Hà Nội trước ngày 10/11, theo truyền thông Nhà nước.

Trước đó, vào ngày 29/10, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã đưa ra kết quả nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, đây là bước đánh giá cuối cùng để đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại.

Mạng Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trong ngày 1/11, rằng thành phố đã sẵn sàng và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể tiếp nhận tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông trong giai đoạn đầu.

Ông Viện cũng nói thêm, sau khi tiếp nhận, thành phố Hà Nội sẽ cho tàu tuyến Cát Linh-Hà Đông chạy ngay và miễn phí 15 ngày đầu cho tất cả hành khách, trước khi thực hiện vận hành thương mại.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, có tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD).

Tuyến đường sắt này có 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, tổng thầu Trung Quốc là EPC thực hiện có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 868 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).

Tuyến đường sắt này đã gây khá nhiều tranh cãi trong dư luận do bị đội vốn lên quá cao (hơn 300 triệu đô la) và đã bị trì hoãn đưa vào sử dụng hơn 10 lần.