Đường sắt Cát Linh-Hà Đông còn nhiều “khâu kiểm tra” trước khi chạy chính thức

Đường sắt Cát Linh Hà Đông vừa hoàn thành 20 ngày chạy thử nghiệm
Đường sắt Cát Linh Hà Đông vừa hoàn thành 20 ngày chạy thử nghiệm (AFP)

Sau 20 ngày chạy thử nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông (từ 12 đến 31/12/2020), Ban Quản lý Dự án Đường sắt hôm 4/1 cho rằng dự án vẫn còn nhiều nội dung cần thực hiện trước khi đưa vào chạy chính thức. Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin trên vào cùng ngày.

Theo đại diện Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Hội đồng sẽ dựa trên kết quả vận hành thử toàn hệ thống; ý kiến của Tư vấn đánh giá độc lập về an toàn (là liên danh tư vấn Pháp-ACT), cũng như ý kiến các chuyên gia sau đợt chạy thử nghiệm vừa qua trước khi bàn giao dự án cho thành phố Hà Nội chính thức đưa vào khai thác thương mại.

Ông Vũ Hồng Phương, quyền Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (BQL), hôm 4/1 cho hay BQL đã yêu cầu tổng thầu EPC Trung Quốc phải có báo cáo chi tiết toàn bộ quá trình thực hiện thử nghiệm, giao tư vấn giám sát kiểm tra, đánh giá kết quả trước khi BQL thực hiện nghiệm thu.

Trước đó, trong ngày thứ 3 tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông đưa vào chạy thử nghiệm, phía tư vấn Pháp đã phát hiện một số bất cập trong qui trình vận hành. Cụ thể tư vấn Pháp không đồng tình phương án xử lý khi cháy trên tàu mà đại diện tổng thầu TQ đưa ra.

Nhiều người dân Hà Nội sau thông tin trên cho rằng dự án CL-HĐ đã trễ hẹn đưa vào khai thác quá nhiều lần, do đó mặc dù không đặt nhiều niềm tin vào độ an toàn của dự án nhưng họ hy vọng được trải nghiệm một lần sau khi dự án đưa vào khai thác trong tháng 1/2021 như lời hứa của Bộ trưởng Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Được biết, theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến sẽ miễn phí tiền vé trong 15 ngày đầu tiên đưa vào khai thác thương mại để người dân trải nghiệm.

Sau đó, người dân sẽ mua vé 8.000 - 15.000 đồng/lượt, vé ngày giá 30.000 đồng/vé, vé tháng 200.000 đồng (đối tượng ưu tiên là 100.000 đồng/tháng)

Dự án đường sắt CL-HĐ được ghi nhận đã 8 lần hoãn kế hoạch vận hành thương mại và sau gần 10 năm khởi công (vào tháng 10/2011) đã điều chỉnh mức đầu tư dự án hơn 868 triệu USD, trong đó vốn vay của Chính phủ TQ là gần 670 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.

Theo hợp đồng EPC, Tổng thầu Trung Quốc sẽ thực hiện bảo hành dự án 2 năm cho tuyến đường sắt CL-HĐ sau khi được bàn giao và đưa vào khai thác thương mại.