Không máy bay hay tàu chiến nào có thể đe dọa Trung Quốc trong quyết tâm bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Bộ Ngoại giao Bắc Kinh tuyên bố như vậy sau khi có tin nói rằng hai máy bay ném bom chiến lược của Mỹ B-52 bay ngang quần đảo Trường Sa nơi Trung Quốc có đảo nhân tạo được quân sự hóa.
Hãng truyền thông Mỹ CNN loan báo tin này, đồng thời trích dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis, hôm thứ bảy tuần trước, rằng Mỹ luôn mong muốn có một quan hệ tốt với Trung Quốc, nhưng hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông là một hành động mang tính đe dọa và Mỹ sẽ nghênh tiếp nếu thấy cần thiết.
Nói với báo chí vào ngày 6 tháng 6, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh nói rằng Mỹ nên làm rõ chuyện gửi những thứ vũ khí như vậy đến Biển Đông có phải là một hành động quân sự hóa hay không.
Bà nói tiếp rằng một hành động như vậy mang đầy rủi ro, và Trung Quốc không hề sợ hãi mà sẽ bảo vệ chủ quyền của mình cũng như hòa bình và an ninh khu vực.
Trong khi đó, cũng theo hãng CNN, các phân tích ảnh vệ tinh gần đây do một hãng Do Thái thực hiện, cho thấy rằng Bắc Kinh có thể đã rút hệ thống tên lửa của mình khỏi đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, và có thể là để chuyển sang địa điểm khác trên Biển Đông, chứ chưa chắc là do nguyên nhân bị áp lực quốc tế.
Cũng trên đảo Phú Lâm này trước đây Trung Quốc đã cho đáp máy bay ném bom có thể mang theo vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc và các quốc gia phương Tây tranh cãi nhau về chuyện Bắc Kinh biến các hòn đảo mà mình chiếm giữ ở Biển Đông thành những tiền đồn được trang bị vũ khí. Phương Tây nói rằng đó là hành động quân sự hóa, trong khi Trung Quốc nói đó không phải cho mục tiêu quân sự.
Từ thời Tổng thống Obama, Mỹ cho tiến hành một chiến dịch gọi là tự do hàng hải, cho tàu chiến đi sát các đảo nhỏ mà Trung Quốc chiếm giữ, xem như một hành động thách thức Bắc Kinh, nhưng dựa trên công ước về luật biển quốc tế.
Mới đây Anh và Pháp cho biết họ cũng sẽ thực hiện chiến dịch tự do hàng hải như Mỹ tại Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp bà Florence Parly cho biết vào năm ngoái có ít nhất 5 chiến hạm Pháp và các tàu chiến, trực thăng Anh đã đi vào Biển Đông.