Một tàu nghiên cứu mới nhất và lớn nhất của Trung Quốc sẽ đến quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông trong tháng 10 để nghiên cứu khí tượng. South China Morning Post loan tin này hôm bảy tháng bảy.
Theo tin, tàu nghiên cứu này được đặt tên theo trường Đại học Tôn Trung Sơn và được coi là "phòng thí nghiệm di động cỡ lớn trên biển", với chiều dài 113m, rộng 19,4m và lượng giãn nước 6.880 tấn.
Tàu được lắp đặt 10 phòng thí nghiệm di động cho phép các nhà nghiên cứu thu thập mẫu trên biển và phân tích số liệu ngay trên tàu trước khi chuyển dữ liệu về đất liền.
Tàu có một sàn đáp trực thăng để vận chuyển người và thiết bị cũng như cho phép các máy bay không người lái (UAV) cất cánh để mở rộng phạm vi quan sát khoa học trên không, trên mặt biển và dưới đáy biển.
Giáo sư Yu Weidong-chuyên nghiên cứu về khoa học khí quyển cho biết con tàu sẽ đến quần đảo Hoàng Sa vào tháng 10 để nghiên cứu hơi nước của ranh giới phía Tây Biển Đông cũng như các vùng biển lân cận.
Trước đó, hôm tháng 3 Bắc Kinh đã từng thông báo đang hoàn thiện một con tàu nghiên cứu với trọng tải trên 10 ngàn tấn và đây sẽ là tàu “nghiên cứu khoa học biển tích hợp mạnh nhất của TQ”.
Phía Bắc Kinh luôn cho rằng việc đưa các tàu nghiên cứu đến biển Đông là vì lợi ích cộng đồng tuy nhiên động thái của Bắc Kinh không khỏi gây nghi ngờ với các nước láng giềng trong khu vực khi hết lần này đến lần khác Bắc Kinh đưa thêm tàu khu trục có tên lửa dẫn đường vào tập trận ở Biển Đông.
Gần nhất trong tháng 6, TQ đã không chỉ kéo giàn khai thác nặng hơn 100 ngàn tấn ra biển Đông để khai thác khí tự nhiên và đưa tàu khu trục có tên lửa dẫn đường vào tập trận ở khu vực đang tranh chấp.
Trung Quốc đơn phương vẽ đường chín đoạn (đường lưỡi bò) để tuyên bố chủ quyền phi lý ở 90% Biển Đông đã bị các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Philippines và Malaysia nhiều lần lên tiếng phản đối. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng chiếm đóng và cải tạo trái phép nhiều thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Trong năm 2019, tàu Địa chất Hải dương 8 của TQ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam sau đi vào vùng biển gần Bãi Tư Chính của Việt Nam.