Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay thứ ba, đặt "VN vào một mối nguy hiểm mới"

Cán cân sức mạnh quân sự ở khu vực đã nghiêng hẳn về phía Trung Quốc với sự bổ sung vũ khí mới nhất này.

Hôm 17 tháng 6, hãng tin Reuters đưa tin Trung Quốc tổ chức lễ hạ thủy chiếc tàu sân bay thứ ba của nước này mang tên Phúc Kiến.

Đây được cho là chiếc tàu sân bay đầu tiên được thiết kế và đóng hoàn toàn bởi công nghệ nội địa, so với hai chiếc trước đó là Liêu Ninh và Sơn Đông có nguồn gốc từ Liên Xô cũ.

Điều này cho thấy năng lực đóng tàu quân sự của Trung Quốc đã đạt bước tiến mới, và với sự bổ sung mới này thì sức mạnh của hải quân nước này sẽ tăng lên rõ rệt.

Đáng chú ý là động thái này diễn ra chỉ mấy ngày sau khi ông Tập Cận Bình ký sắc lệnh cho phép quân đội Trung Quốc thực hiện chiến dịch quân sự ở nước ngoài.

Nhấn mạnh rằng những chiến dịch quân sự mà quân đội nước này được thực hiện ở nước ngoài không được mang tính chiến tranh, tuy nhiên với việc Nga gọi cuộc xâm lược ở Ukraine là “chiến dịch quân sự đặc biệt” thay vì là một cuộc chiến tranh, nhiều chuyên gia lo ngại Trung Quốc cũng có thể làm điều tương tự.

Trao đổi với Đài Á châu Tự do, thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông và quan hệ quốc tế, cho biết với việc Trung Quốc có thêm hàng không mẫu hạm thứ ba, cán cân quân sự ở khu vực lệch hẳn về Bắc Kinh.

“Nếu mà so sánh trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á, đặc biệt khu vực Biển Đông thì rõ ràng là không có quốc gia nào ở khu vực này có thể theo kịp được với Trung Quốc.

Gần đây Trung Quốc tuyên bố về những máy bay như J20, rồi đến bây giờ với cái tàu sân bay như vậy thì rõ ràng sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở trên biển đã vượt trội rất nhiều lần so với các quốc gia Đông Nam Á.

Mà chúng ta biết khu vực Đông Nam Á có nhiều quốc gia tham gia vào tranh chấp trên Biển Đông.

Cái này được đặt trong bối cảnh là trong thời gian vừa qua thì Trung Quốc đã có rất nhiều hành động với tham vọng thể hiện sức mạnh, và tham vọng độc chiếm khu vực Biển Đông.

Với việc sức mạnh của Trung Quốc được gia tăng thì chắc chắn là họ sẽ tiếp tục có những hành động trên khu vực Biển Đông, và điều này sẽ đặt các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vào một mối nguy hiểm mới.”

000_32CN2QU.jpg
Tàu sân bay Phúc Kiến trong buổi lễ hạ thủy. Ảnh: AFP chụp màn hình CCTV

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ, cho nên việc cho phép quân đội thực hiện các chiến dịch quân sự ở nước ngoài không phải để nhắm đến hòn đảo tự trị này, thay vào đó thì rất có thể các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á đang có tranh chấp các đảo trên biển mới là đối tượng chính.

Bình luận về khía cạnh này, thạc sĩ Hoàng Việt nói:

“Thì điều này chắc chắn phải nhắm tới các quốc gia Đông Nam Á đầu tiên, ngoại trừ vấn đề Đài Loan thì rõ ràng các quốc gia Đông Nam Á sẽ là mục tiêu đầu tiên mà Trung Quốc nhắm tới.

Bởi vì chúng ta đã biết một trong những mục tiêu lớn nhất, và Trung Quốc không hề giấu giếm, đó là làm sao để làm chủ được Biển Đông, độc chiếm được Biển Đông. Với cái sức mạnh và với những quy định được đưa ra như vậy thì rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang nhắm tới khu vực này.

Trong suốt thời gian vừa qua thì chúng ta thấy với những hoạt động ngoại giao, cũng như các hoạt động khác nhau thì Trung Quốc đang muốn đặt khu vực Đông Nam Á ít nhất là trong vùng ảnh hưởng của mình.”