Trong ba tháng đầu năm nay, có ít nhất 39 dự án của các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần đang lên kế hoạch chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam để tránh đợt tăng thuế mới từ Mỹ nhắm vào hàng hoá Trung Quốc. Trang Financial Times hôm 3/6 đưa thông tin này dựa trên số liệu từ FDI Markets.
Theo bài báo của FT, các doanh nghiệp Trung Quốc đang hướng tới việc sản xuất ở Việt Nam và Mexico để tránh thuế từ Mỹ. Số dự án của các doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến chuyển sang Mexico trong ba tháng đầu năm là 41.
Những con số dự án này, theo FT, là cao nhất từ trước đến nay của cả hai quốc gia kể từ khi FDI Intelligence (thông tin về đầu tư trực tiếp nước ngoài) bắt đầu theo dõi các tin về đầu tư nước ngoài và các tuyên bố của các công ty từ năm 2003. Hiện Mexico và Việt Nam đều đã vượt Mỹ trở thành điểm đến hàng đầu của các dự án chế tạo và hậu cần của Trung Quốc.
Theo FT, sự chuyển dịch này cho thấy các công ty đa quốc gia và các chính trị gia ở phương Tây đang tìm cách bỏ sự lệ thuộc vào các nhà máy của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ và giới hạn vai trò của Trung Quốc trong việc cung cấp các mặt hàng quan trọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng trước tuyên bố quyết định áp một loạt thuế nhập khẩu cao lên các hàng hóa Trung Quốc.
Một loạt các mặt hàng chiến lược của Trung Quốc đối mặt với mức thuế cao hơn gồm: xe điện (tăng thuế từ 25% lên 100%), chất bán dẫn (tăng từ 25% lên 50%), pin sử dụng cho xe điện (tăng từ 7,5% lên 25%), các bộ phận chủ chốt trong pin năng lượng mặt trời (tăng từ 25% lên 50%)…
FT trích dẫn số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, xuất khẩu các phụ kiện máy tính của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn gấp ba lần lên 1,7 tỷ đô la trong giai đoạn từ 2017 đến 2023.
Trong khi đó, theo Eurasia Group - một công ty tư vấn - trong tháng tư vừa qua, thặng dư thương mại của Việt Nam và Mỹ đã tăng đáng kể. Nguyên nhân không chỉ từ việc doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch sản xuất mà còn vì các công ty Trung Quốc chỉ đơn thuần là chuyển hàng qua tuyến đường Việt Nam.