Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam cho biết vừa lập kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác thu phí của 11 trạm thu phí đường bộ BOT trên cả nước.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 11/3, cho biết thêm kết quả kiểm tra phải được hoàn thành và báo cáo về Tổng cục trong quý 2 năm nay. 11 trạm BOT sẽ bị giám sát công tác thu phí gồm trạm Phả Lại, trạm Tam Nông, trạm Thái Hà, trạm Tiên Cựu, trạm Km11+625 Quốc lộ 38, trạm Km1807+500 đường Hồ Chí Minh thuộc tỉnh Đăk Nông, trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh ở tỉnh Đăk Lăk, trạm cầu Rạch Miễu, trạm cầu Cổ Chiên, trạm cầu Mỹ Lợi, trạm Km166+600 ở tỉnh Bình Thuận.
Để kiểm tra, các Cục quản lý đường bộ sẽ phối hợp với đại diện Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Cục cảnh sát kinh tế thuộc Bộ Công an (nếu có) và Cục thuế địa phương nơi đặt các trạm BOT.
Kế hoạch được đưa ra sau khi có một số công dân lên tiếng đòi minh bạch trong việc thu phí BOT. Tại BOT Ninh Lộc và Bắc Thăng Long- Nội Bài, một số người dân và tài xế tham gia kiểm đếm số xe qua trạm để tính toán khoản kinh phí đầu tư và thời gian thu phí mà chủ đầu tư đưa ra.
Mới đây nhất, vào ngày 7/3, Chủ đầu tư BOT Ninh Lộc, tỉnh Khánh Hòa đã gửi văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng, chỉ đạo Bộ Công an, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa, Bộ Giao thông vận tải để thành lập công tác liên ngành thực hiện giám sát thu phí tại Trạm thu phí Ninh Lộc.
Lý do được chủ đầu tư nêu ra là vì lo ngại về nguy cơ an toàn an ninh và mất kiểm soát trạm, trước việc người dân đến tại trạm BOT Ninh Lộc đếm xe qua trạm. Bên cạnh đó, theo chủ đầu tư BOT Ninh Lộc, số liệu của những người kiểm đếm vừa công bố gần đây là do người dân tự đưa ra, không được kiểm chứng.
Về phía nhóm kiểm đếm, người đại diện nói với Đài Á Châu Tự Do sẽ tiếp tục kiểm đếm lại do số liệu lần trước đã bị mất cắp, và trong lần này sẽ sử dụng camera để ghi nhận lượng xe qua trạm một cách chính xác và có cơ sở pháp lý để gởi cơ quan chức năng.
Truyền thông trong nước cũng trích lời một thành viên trong nhóm kiểm đếm nói với báo Lao Động cho biết sẽ sẵn sàng phối hợp với chủ BOT, đoàn kiểm tra và chính quyền địa phương để giám sát việc kiểm đếm này.
Vấn đề thu phí của các trạm BOT bị công luận đặc biệt thắc mắc sau khi xảy ra vụ cướp tại trạm BOT Dầu Giây hôm ngày 7 tháng 2, tức mồng 3 Tết Âm Lịch Kỷ Hợi. Số tiền bị hai kẻ cướp lấy đi được nói là 2,2 tỷ đồng.
Tổng cục Đường bộ sau đó cũng cho thanh tra trạm BOT Dầu Giây từ ngày 28/1-8/2. Kết quả được Tổng cục thông báo rằng số tiền thu phí trùng khớp với báo cáo trước đó.