Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII (Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ) của Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) của Đảng Cộng sản Việt Nam họp phiên bế mạc hôm 17/5/2023, sau khi hoàn thành chương trình làm việc, theo truyền thông chính thống Việt Nam đưa tin cùng ngày.
Nhân dịp này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị cấp cao thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas-Yusof Ishak) ở Singapore dành cho Đài Á Châu Tự Do một cuộc trả lời phỏng vấn mà nội dung xin mời quý vị theo dõi sau đây. Trước hết, nhà nghiên cứu cho biết khái lược về kết quả chính mà có thể được cho là nổi bật của Hội nghị này:
TS. Hà Hoàng Hợp: Như đã nói từ trước Hội nghị TW7 (còn gọi là Hội nghị TW giữa khóa), họp từ ngày 15 đến 17/5, đã bế mạc.
Hội nghị là một nỗ lực ổn định nhân sự lãnh đạo VN trong tình hình quốc tế có nhiều biến động.
Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, kiểm điểm công tác của từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lấy phiếu tín nhiệm đối với từng người trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Không có ai trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải nghỉ công tác trong Hội nghị Trung ương này.
Lấy phiếu tín nhiệm để ‘tự soi, tự sửa’
RFA: Việc lấy phiếu tín nhiệm do BCHTƯ của ĐCSVN tiến hành có kết quả cụ thể ra sao với những người được 'lấy phiếu tín nhiệm'? Đã có hai trường hợp được công bố kỷ luật, ngoài ra thì sao, thưa ông?
TS. Hà Hoàng Hợp: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa được công bố cụ thể. Việc lấy phiếu tín nhiệm, như TBT Nguyễn Phú Trọng nói: không để bị lợi dụng chia rẽ nội bộ, hiểu cách khác, lấy phiếu tín nhiệm để từng người tự nhìn vào đó mà "tự sửa".
Cả hai trường hợp kỷ luật đều dựa trên kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Hội nghị 7, vẫn có thể có các trường hợp khác sẽ bị kỷ luật, vì công tác kiểm tra là liên tục.
RFA: Có bổ sung nhân sự cao cấp nào được tiến hành tại kỳ Hội nghị TƯ 7 này không và nếu có thì kết quả cụ thể ra sao?
TS. Hà Hoàng Hợp: Tôi chưa thấy công bố về điều chỉnh nhân sự của Hội nghị, chắc Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ sớm công bố.
RFA: Kết quả chính của Hội nghị sẽ được triển khai cụ thể ra sao trong khắp hệ thống chính trị của Đảng, nhà nước, Quốc hội Việt Nam từ nay cho đến cuối nhiệm kỳ của BCHTW khóa 13?
TS. Hà Hoàng Hợp: Nửa nhiệm kỳ 13 còn lại, sẽ kế tục nửa nhiệm kỳ vừa qua, và kế tục đường lối có từ các Đại hội trước, sẽ không có thay đổi căn bản nào.
Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh sự ổn định nhân sự, tiếp tục chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục triển khai mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, thúc đẩy tích cực đối ngoại.
Dự báo là sẽ không có thay đổi gì trong cơ cấu tứ trụ.
RFA: Hội nghị kế tiếp của BCHTW ĐCSVN tới đây, theo kế hoạch, thì sẽ có vấn đề, khía cạnh nào về nội dung mà theo ông là đáng chú ý và cần được đón theo dõi?
TS. Hà Hoàng Hợp: Hội nghị TW 8 tới đây sẽ được tổ chức trong đầu tháng 10, nội dung chính sẽ là các vấn đề bảo vệ tổ quốc (quốc phòng - an ninh - ngoại giao)
RFA: Hội nghị TW7 này có thành công rực rỡ hay không, có vấn đề gì mà công chúng cần biết, đáng biết mà chưa thể biết? Về cách làm có gì cần cải thiện, đổi mới không? Có điều gì mà được kỳ vọng là nên được làm, hay làm khác đi không thưa ông?
TS. Hà Hoàng Hợp: Bấy lâu nay, chỉ thấy có câu 'thành công tốt đẹp'.
Đảng viên và cử tri luôn kỳ vọng về một cấp độ cao hơn về minh bạch, pháp quyền và quản trị nhà nước tốt hơn.
Hội nghị 7 được tiến hành rất gọn, chỉ có hơn 2 ngày, đây là một bước tiến tích cực, thể hiện hiệu quả cao hơn của bộ máy của Đảng CSVN.
Sẽ có chuyện ‘nghỉ việc, giáng chức, chuyển công tác’?
RFA: Cuối cùng, trên đây, ông có nói rằng sau Hội nghị 7, vẫn có thể có các trường hợp khác sẽ bị kỷ luật, vì công tác kiểm tra là liên tục, đó là về mặt Đảng, còn về mặt Quốc hội, việc bỏ phiếu tín nhiệm với các quan chức, nhân sự được Quốc hội Việt Nam bầu, bổ nhiệm, dự kiến tiến hành vào cuối năm, có thể ảnh hưởng tới việc quan chức nào bị cho thôi việc, thay thế hay không thưa ông? Và xin cảm ơn ông đã trả lời cuộc phỏng vấn này.
TS. Hà Hoàng Hợp: Bỏ phiếu ở Quốc hội là thủ tục quan trọng có ý nghĩa pháp lý chính trị. Nếu ai phiếu tín nhiệm thấp, sẽ tùy mức độ, sẽ phải nghỉ việc, giáng chức, chuyển công tác.
Nếu nói 'lấy phiếu tín nhiệm' là để 'biết mà tự sửa', thì 'bỏ phiếu tín nhiệm' sẽ có hiệu ứng 'cho nghỉ việc, chuyển công tác, hay giáng chức vụ'.
Những ai có kết quả lấy phiếu tín nhiệm thấp, có thể sẽ được đưa sang bỏ phiếu tín nhiệm.
Trên đây là cuộc trao đổi của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á Iseas (Singapore), dành cho RFA Tiếng Việt trên quan điểm riêng.
Tại kỳ họp này, bên cạnh các nội dung mà cũng đã được công bố trên báo chí truyền thông, Ban Chấp hành Trung ương của ĐCSVN đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các quan chức cao cấp là các ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, tuy nhiên kết quả bỏ phiếu chỉ được công khai trong nội bộ.
Tại hội nghị này có hai trường hợp bị kỷ luật được công bố, trường hợp thứ nhất là ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, thôi chức vụ ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.
Và trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Lào Cai, bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra quyết định kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng.
Còn theo một nhà quan sát không muốn tiết lộ danh tính, chia sẻ với RFA, về công tác nhân sự cấp cao: "vào phút chót, Hội nghị Trung ương 7 đã quyết định không bầu hai Ủy viên Bộ Chính trị và một Ủy viên Ban Bí thư như dự kiến. Lý do là thủ tục bầu chưa chuẩn bị xong, nhưng chắc là để đến một Hội nghị Trung ương bất thường trong mùa hè này thì Ban Chấp hành TƯ Đảng sẽ tiến hành".
Ngoài ra, ông Đặng Quốc Khánh (sinh năm 1976, nơi sinh và quê quán ở Hà Tĩnh) từ Hà Giang trên vai trò Bí thư Tỉnh ủy sẽ về làm Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh (sinh năm 1974, quê quán ở Hà Nội) từ Cần Thơ trên vài trò Bí thư Thành ủy ra làm Bí thư Đảng đoàn Bộ Tài Nguyên - Môi trường, còn bà Trương Thị Mai, thường trực Ban Bí thư, tiếp tục kiêm chức Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng,” nhà quan sát này cho RFA biết hôm 17/5 trên quan điểm riêng.