Chứng nhận Welcome Chinese hạng Gold trao cho Sân bay Quốc tế Đà Nẵng vẫn chưa thể giúp thành phố biển này của Việt Nam đón khách từ Trung Quốc trong ngắn hạn.
Đó là thừa nhận của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng, được mạng Thời báo Kinh tế Sài Gòn loan đi ngày 14/12.
Một số nguyên nhân được ông Cao Trí Dũng lý giải cho nhận định vừa nêu. Trước hết, du khách Trung Quốc nay ưu tiên đi du lịch trong nước, còn khi ra nước ngoài họ có chọn lọc hơn. Tại Việt Nam, ngoài Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các nơi khác gồm Nha Trang, Phú Quốc, Thừa Thiên-Huế là những điểm du lịch được khách Trung Quốc lựa chọn qua những chuyến bay thuê chuyến (charter flights). Đà Nẵng chưa có trong danh sách này, mà chỉ có một ít đoàn đến theo đường gián tiếp; tức sau khi đã đến điểm đầu tiên khác.
Một lý do khác là các hãng lữ hành, hàng không trong nước và đối tác Trung Quốc chưa có tiếng nói chung trong việc đưa khách từ Hoa Lục trực tiếp đến Đà Nẵng.
Hôm 12/12, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng,ông Đỗ Trọng Hậu, cho truyền thông Nhà nước biết Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng là nhà ga sân bay đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á được cấp chứng nhận Welcome Chinese – thấu hiểu và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách Trung Quốc.
Để có thể đạt chứng nhận này, Nhà ga Quốc tế Sân bay Đà Nẵng phải tiến hành thực hiện các hạng mục gồm hiển thị Tiếng Trung trên các bảng chỉ dẫn, màn hình chuyến bay, thực đơn nhà hàng, bản đồ, website, cung cấp nước nóng miễn phí; nhân viên Nhà ga nói được Tiếng Trung, các cửa hàng cung cấp dịch vụ thanh toán qua Unionpay, Wechat Pay, và quyền hoàn thuế…
Thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng cho thấy vào năm 2019, du khách Trung Quốc đến lưu trú tại thành phố biển này là khoảng 650.000 lượt; sau khách Hàn Quốc ở mức khoảng 1,8 triệu lượt.
Tính đến cuối năm 2019, có khoảng 24 đường bay từ Trung Quốc đến Đà Nẵng với tần suất 137 chuyến/tuần, đa phần là các chuyến bay thuê chuyến (charter flights).