Mọi sinh hoạt tôn giáo, tu tập ở chùa Đại Thọ - ngôi chùa Khmer Krom ở huyện Tam Bình, Vĩnh Long - vẫn diễn ra một cách bình thường dù chính quyền có động thái loại sư trụ trì Thạch Chanh Đa Ra ra khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hôm 4/12, báo chí Nhà nước đưa tin về buổi họp, thông báo về việc không công nhận tư cách thành viên đối với sư trụ trì ngôi chùa cổ của người Khmer Krom bản địa. Lý do là sư Thạch Chanh Đa Ra bị cho là có các hành động vi phạm nghiêm trọng Giới luật, Giáo luật, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Pháp luật Nhà nước.
Sư Dương Khải, người bảo vệ an ninh, di sản của chùa Đại Thọ trưa ngày 5/12 khẳng định với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:
"Theo sư nghĩ do mình không theo họ, nên họ trục xuất thì đó là quyền của họ, còn mình tu theo chân truyền, theo giáo lý, giáo luật của Đức Phật, theo quyền tự do tôn giáo thì cứ tự nhiên mà sinh hoạt.
Còn việc của họ không chấp nhận, khai trừ mình ra khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam là quyền của họ. Luật do họ ra, thích thì bắt, thích thì mời là quyền của họ mà."
Theo sư Dương Khải, người trước đây là một nhà bảo vệ quyền của người bản địa Khmer Krom thì ngôi chùa này đã bị chính quyền đe doạ và sách nhiễu từ lâu do tu theo Phật giáo Nam tông và không theo sự chỉ đạo của chính quyền.
Hơn một năm trước, các Phật tử ở địa phương đã bầu sư Thạch Chanh Đa Ra lên để thay thế sư trụ trì Thạch Xươl, do họ cho rằng vị sư này đã cấu kết chính quyền để cưa cây Sao hơn 700 năm tuổi ở khuôn viên chùa, đại diện cho di sản của người Khmer Krom.
Cũng theo sư Dương Khải, sau sự việc đó ngôi chùa này thường xuyên bị những người mặc thường phục đe doạ, xe ba gác của các sư dùng để đi khất thực cũng bị chính quyền tịch thu, cùng với các động thái doạ nạt cha mẹ của các sư đang tu học tại chùa để đưa con em mình về nhà.
Đỉnh điểm là vào chiều 22/11, theo báo Tuổi trẻ tổ công tác của UBND huyện Tam Bình và UBND xã Loan Mỹ cùng hai Phật tử đại diện người dân địa phương đến chùa Đại Thọ liên hệ làm việc.
Khi tổ công tác vào trong khuôn viên chùa thì bị khóa cổng. Sư Thạch Chanh Đa Ra bị cho là đã trực tiếp chỉ đạo khống chế các thành viên trong tổ công tác, hành hung gây thương tích. Đồng thời đưa các thành viên trong tổ công tác vào chánh điện, khóa cửa, canh giữ không cho ra ngoài.
Tuy nhiên, theo sư Dương Khải đoàn công tác khoảng năm người tự ý đi vào trong chùa để "làm việc" mà không xin phép hay thông báo trước như nội quy chùa đã quy định. Ông nói tiếp:
"Khi mà sư trụ trì lấy điện thoại ra quay lại thì phía bên cán bộ viên chức lấy cùi chỏ đập trúng vào điện thoại, rồi một người đại diện cho chính quyền Nhà nước đá điện thoại ra ngoài để cho công an thường phục ở phía ngoài để họ lấy cái điện thoại đó đi.
Lúc đó sư trụ trì té ngã nên họ đá điện thoại trúng ngón tay sư trụ trì làm chảy máu, đầu gối khi té cũng bị trầy. Rồi sư mới kéo những người bên chính quyền lên chánh điện để xin lỗi theo phong tục ngày xưa."
Theo một đoạn video hơn 10 phút mà người dân địa phương cung cấp quay lại thời điểm xảy ra sự việc cho thấy các sư sãi mặc áo tu theo hệ phái Nam tông cầm gậy gộc bảo vệ phía trong sân chùa, phía bên ngoài khoảng hơn 20 người mặc thường phục đe doạ, chửi bới, đạp cửa chùa.
Một người mặc đồ thường phục vào yêu cầu "dắt người ra đi rồi chúng tôi rút về, ở đây có chính quyền hết các anh khỏi có lo", và khẳng định "băng của tôi cũng có chính quyền, chứ không phải không có chính quyền."
Báo Nhà nước cho biết, đến khoảng 16 giờ cùng ngày, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, các thành viên tổ công tác mới được thả ra, mà không đề cập gì đến sự việc những người mặc thường phục đập phá cổng chùa, chửi bới các nhà sư.
Phóng viên RFA chiều 5/12 gọi điện cho công an huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long với đề nghị xác minh về vụ việc, tuy nhiên cán bộ trực máy đề nghị lên trực tiếp cơ quan làm việc chứ không trả lời qua điện thoại.
Về buổi lễ thông báo khai trừ tư cách thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với sư Thạch Chanh Đa Ra diễn ra vào ngày 04/12, theo sư Dương Khải cho biết, có một vị sư người Khmer Krom tu ở chùa Kỳ Son đã đứng lên phát biểu ngược lại với những tuyên bố của chính quyền thì bị tắt micro, một vị sư của Giáo hội Phật giáo đề nghị gửi văn bản chứ không trả lời tại chỗ.
Theo ban tiếng Khmer của Đài Á Châu Tự Do, sư Thạch Chanh Đa Ra đã đi ngược lại mong muốn của chính quyền địa phương khi tiếp đón các nhà hoạt động Khmer Krom như Dương Khải tại chùa Đại Thọ.
Nhà sư Dương Khải nói với RFA rằng ông lo ngại cho sự an toàn của Phật tử Khmer Krom ở tỉnh Vĩnh Long.
Ông nói: "Tôi rất lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của các nhà sư và tín đồ Phật giáo.
Tôi rất lo lắng về Phật giáo Khmer Krom, đặc biệt là ở chùa Đại Thọ. Tôi không biết tương lai của Phật giáo và văn hóa bản địa Khmer Krom của chúng ta sẽ diễn ra như thế nào.”
Kể từ đó, ông đã kêu gọi chính phủ Campuchia cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế can thiệp thay mặt cho người thiểu số Khmer Krom.
Gần 1,3 triệu người Khmer Krom đang sinh sống ở một vùng đất của Việt Nam từng là đông nam Campuchia. Họ đã và đang phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng về quyền tự do ngôn luận, hội họp và đi lại.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phân ban Châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch hôm 6/12 cho rằng, chính phủ Việt Nam từ lâu đã tìm cách hạn chế và kiểm soát các ngôi chùa Khmer Krom vì họ hiểu vai trò then chốt của Phật giáo Nguyên thủy trong văn hóa và xã hội Khmer Krom.
Trong email gửi Đài Á Châu Tự Do ông Phil khẳng định:
"Ví dụ mới nhất về sự can thiệp trắng trợn của chính quyền vào quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người Khmer Krom là quá đáng và không thể chấp nhận được và Liên hợp quốc cũng như các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam cần lên án mạnh mẽ hành vi xâm phạm này.
Nhà nước thừa nhận Tăng đoàn đang hoạt động không khác gì một công cụ chính trị của Đảng Cộng sản độc tài, không có cơ sở chính đáng để trục xuất hay trừng phạt trụ trì Thạch Chanh Đa Ra."
Theo đại diện HRW, đây là thông điệp mà cộng đồng quốc tế nên gửi tới Hà Nội, "cùng với những cảnh báo mạnh mẽ nhằm chấm dứt quấy rối và đe dọa người Khmer Krom cũng như hủy hoại quyền tự do tôn giáo."
Cập nhật ngày 6/12/2023 với bình luận của Human Rights Watch