Thân nhân tập trung yêu cầu điều tra khi thanh niên 18 tuổi phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau hơn 3 tháng tạm giam.
Truyền thông trong nước loan tin vào ngày 5 tháng 7 theo do người nhà của anh Trần Văn Hiền, 18 tuổi, tối ngày 4 tháng 7 năm 2019 đứng trước phòng cấp cứu của bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đòi xem hồ sơ bệnh án vì không tin người thân của mình bị “tiểu đường” đến nguy kịch sau 3 tháng bị tạm giam tại công an huyện Hòa Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Đến sáng ngày 5 tháng 7, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng xác nhận, bệnh nhân Hiền có biểu hiện bệnh lý ác tính đối với bệnh nhân đái tháo đường dẫn đến ngừng tuần hoàn, ngưng tim.
Theo đó, các y bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực chống độc cho bệnh nhân và sau đó tim đập trở lại. Hiện anh Hiền đang được điều trị tại Khoa hồi sức tích cực Chống độc nhưng tiên lượng rất nặng.
“Đây là một trường hợp bệnh lý thông thường đối với bệnh nhân đái tháo đường, nhưng khi biến chứng sẽ rất khó kiểm soát”, bác sĩ Nhân nhấn mạnh.
Một bác sĩ cũng khẳng định, Hội đồng y khoa sau khi hội chẩn đã không thấy bất cứ tổn thương nào do bị đánh đập, đồng thời tập trung cao nhất về chuyên môn để cứu chữa người bệnh theo chỉ đạo của lãnh đạo.
Tuy nhiên, người nhà anh Hiền lại cho biết nạn nhân không có gì bất thường về bệnh lý và vẫn khỏe mạnh bình thường khi gặp người nhà 3 ngày trước đó.
Sau đó, Công an thành phố Đà Nẵng cung cấp thêm thông tin cho hay, anh Hiền bị tạm giam hôm 27/6 vì phạm tội cố ý gây thương tích.
Khuya ngày 3/7, anh Hiền có biểu hiện mệt, đau ngực, khó thở. Qua khám sơ bộ, cán bộ y tế Trại tạm giam Hòa Sơn chẩn đoán Hiền bị sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa, theo dõi sốc nhiễm trùng và nhanh chóng được đưa đi Bệnh viện Liên Chiểu để cấp cứu.
Bệnh viện này sau đó cấp cứu và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đà Nẵng ngay trong đêm.
Rạng sáng ngày 5/7, Hiền bị ngưng tuần hoàn 2 lần, được ép tim lồng ngực và dùng thuốc để tim đập lại.
Qua theo dõi và chẩn đoán, Bệnh viện thông báo Hiền bệnh nặng, diễn biến phức tạp do có nhiều bệnh kèm theo, phải thực hiện lọc máu khẩn cấp và có khả năng tử vong cao.
Rạng sáng ngày 5/7, các đoạn video trực tiếp được lan truyền nhanh trên mạng xã hội Facebook cho thấy khoảng 10 viên cảnh sát cơ động đứng bảo vệ trước cửa phòng cấp cứu để ngăn người nhà của anh Hiền vào, trong khi đó những người này liên tục bày tỏ nghi ngờ về sự việc này và cho rằng sức khỏe con mình không có gì bất thường.
Trong năm 2019, cũng có ít nhất 2 trường hợp bị chết trong đồn Công an hoặc được đưa đi cấp cứu và tử vong. Công an giải thích rằng nguyên nhân là do nạn nhân tự đập đầu vào tường cả đêm và một trường hợp là thắt cổ bằng quần thun.
Vào năm 2018, có 11 nạn nhân chết một cách bất minh tại nơi giam gữ của công an mà chính truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin.