Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, ông Đặng Đăng Phước bị Toà án Nhân dân tỉnh này kết án tám năm tù giam và bốn năm quản chế trong phiên sơ thẩm về tội danh "tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo khoản 1 của Điều 117 Bộ luật hình sự do các hoạt động giúp đỡ dân oan và ủng hộ tự do, dân chủ, nhân quyền một cách ôn hòa.
Phiên toà xét xử ông Phước bắt đầu từ 07h30 sáng và kết thúc vào lúc 14h30 chiều ngày thứ ba, 06/6/2023. Vợ ông là bà Lê Thị Hà cùng đại diện nhóm bốn luật sư có mặt trong phiên xử án, cho Đài Á Châu Tự Do biết:
“Tôi có được vào dự phiên tòa hôm nay, chồng tôi bị kết án tám năm tù giam và bốn năm quản chế, và anh ấy sẽ kháng án," bà Lê Thị Hà cho biết ngay sau khi kết thúc phiên tòa."
Luật sư Lê Văn Luân, đại diện cho nhóm luật sư bào chữa của ông Đặng Đăng Phước cũng cho hay ngay sau khi rời khỏi tòa án:
“Về khung cảnh phiên tòa, không có gì là diễn biến bất thường, hoặc có gì căng thẳng quá mức, vị chủ Tọa phiên tòa điều khiển ôn hòa, ít can thiệp nhất trong các phiên tòa mà tôi tham gia từ trước đến này và không tạo ra điểm nhấn gì về mặt gọi là điều khiển cả.
Trong lúc phiên tòa diễn ra, ông Đặng Đăng Phước được bào chữa đầy đủ, tự bào chữa chính thức, và bảo vệ quan điểm của ông, sau đó đến phần bào chữa của các luật sư. Chúng tôi đã bào chữa và tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát, tất nhiên việc đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát không đi đến được kết luận cuối cùng và từ phía Viện Kiểm sát không dựa trên căn cứ cụ thể.”
Ông Luân cho rằng, căn cứ vào quan điểm của các luật sư dựa theo các tình tiết của vụ án, mức án tám năm tù là quá nặng nề so với những gì mà ông Phước đã làm, đồng thời cho biết thêm chủ tọa và hội đồng xét xử trong phiên tòa cư xử đàng hoàng và lịch sự.
‘Sinh ra là để yêu thương, đấu tranh chỉ vì điều tốt đẹp hơn’
Về thông điệp cuối cùng trong phiên tòa của ông Đặng Văn Phước, Luật sư Lê Văn Luân thuật lại và cho RFA hay: "Tôi nhớ nhất trong nội dung mà ông Phước nói lời sau cùng trước tòa, với lời đầu tiên ông cảm ơn cha mẹ của ông đã sinh ra ông để ông có mặt trên đời để ông yêu thương và được yêu thương con người. Và ông cũng nói mọi điều mà ông đã lên tiếng và đấu tranh trong suốt thời gian qua là để với mong muốn cho xã hội, đất nước và con người của đất nước này được tốt đẹp hơn."
Ngay sau phiên tòa, ngày 06/6, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phân ban châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) có trụ sở tại Hoa Kỳ, đưa ra tuyên bố, bình luận:
“Mức án dành cho ông Đặng Đăng Phước là quá đáng và không thể chấp nhận được. Những gì nó bộc lộ là Chính phủ Việt Nam hoàn toàn không khoan dung đối với những công dân bình thường chỉ ra tham nhũng, lên tiếng chống lại sự bất công và kêu gọi trách nhiệm giải trình của các quan chức địa phương.
Đó chính xác là những điều mà ông Đặng Đăng Phước đã làm ở Đắk Lắk, và bây giờ chính phủ tuyên bố những hành động thổi còi như vậy là tuyên truyền chống nhà nước.
Bản án tù oan này cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trò chơi giả dối thực sự thiên về nắm giữ quyền lực và gạt ra ngoài lề các đối thủ chính trị, nhưng không quan tâm đến việc giải quyết những sai phạm phổ biến của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hàng ngũ của nó."
Đại diện của Theo dõi Nhân quyền từ Bangkok cho biết thêm rằng, thật sự rất khó để chỉ ra sự khác biệt giữa Trọng và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc, người cũng sử dụng “chống tham nhũng” như một trò chơi quyền lực để siết chặt quyền lực của mình – đó là điều mà người dân Việt Nam nên suy cẩn thận, kỹ lưỡng.
Toà án Hà Nội kết tội nhà giáo Đặng Đăng Phước trong một phiên tòa chỉ kém một tuần lễ là tròn hai tháng, sau khi đã kết án cùng tội danh quy định theo điều 117 Bộ Luật hình sự Việt Nam, đối với nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng hôm 12/4/2023 với mức án sáu năm tù giam và hai năm quản chế.
Theo bản cáo trạng mà RFA có được, đĩa CD ghi lại hình ảnh và âm thanh ba bài hát của ông hát trên Facebook đã được Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đem đi giám định và kết luận:
“Đây là những nội dung có chứa nhiều ngôn từ xuyên tạc sự thật, phỉ báng chính quyền nhân dân, cố tình bôi đen sự thật, nói xấu chính quyền nhằm làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự quản lý, điều hành của chính quyền, Nhà nước, cổ suý tinh thần ‘dấn thân’ đấu tranh cho cái gọi là ‘dân chủ, nhân quyền’ nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Một đoạn video bài hát dài năm phút này được cựu giảng viên âm nhạc trường Cao Đẳng Sư phạm Đắk Lắk đăng trên trang Facebook cá nhân có tên Đặng Phước vào ngày 1/8/2021 có đoạn cho thấy vị thầy giáo dạy nhạc Đặng Đăng Phước ôm một cây đàn ghi ta, say sưa hát bài “Gánh xiếc to trên quê hương bé nhỏ” của nhạc sĩ Tuấn Khanh với ca từ da diết: “Gánh xiếc to trên quê hương bé nhỏ, Người người lặng yên, u uất trong tim, Gánh xiếc to trên quê hương cháy đỏ, Bài học tự do đâu chỉ cơm no, Gánh xiếc to sao không nghe tiếng cười, Tiếng vỗ tay sao như tiếng khóc người, Vuốt mặt nhìn nhau, Bỗng thấy nghẹn lời…”
‘Vận động chống tham nhũng và lạm quyền ở cấp cơ sở’
Khoảng một năm sau, vào ngày 8/9/2022, ông Phước đã bị chính quyền địa phương bắt với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” và đoạn video bài hát này là một trong ba đoạn video bài hát yêu nước có sự tham gia của ông được đăng trên Facebook ở các thời điểm khác nhau mà đã trở thành bằng chứng để Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk dựa vào đó sử dụng nhằm cáo buộc ông vi phạm Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Còn theo thông cáo của HRW trước phiên tòa, ông Đặng Đăng Phước trong thập niên qua đã vận động chống tham nhũng và lạm quyền ở cấp cơ sở:
“Ông đã ủng hộ việc bảo vệ tốt hơn các quyền dân sự và chính trị, bao gồm quyền tự do ngôn luận, biểu đạt, lập hội, hội họp và tôn giáo. Ông công khai phản đối luật an ninh mạng năm 2018 mang tính đàn áp của Việt Nam. Đặng Đăng Phước đã ký nhiều kiến nghị ủng hộ dân chủ, trong đó có Kiến nghị 72, ban hành vào tháng 01 năm 2013, kêu gọi thay đổi hiến pháp để cho phép bầu cử đa đảng.
Ông cũng đã ký Tuyên ngôn Công dân Tự do, ban hành vào tháng 2 năm 2013, tìm cách bãi bỏ điều 4 trong Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam, trong đó trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền về quyền lực. Tuyên bố kêu gọi tạo ra một hệ thống chính trị đa đảng, phân chia quyền lực và phi chính trị hóa các lực lượng vũ trang. Ông cũng lên tiếng để nâng cao nhận thức về các dự án kinh tế bóc lột có tác động tiêu cực đến môi trường. Vào tháng 5 năm 2016, ông đã ký tuyên bố phản đối Formosa, một công ty thép của Đài Loan đã đổ chất thải độc hại và gây ra thảm họa ô nhiễm biển nghiêm trọng dọc theo bờ biển miền trung Việt Nam.
Đặng Đăng Phước thể hiện tình đoàn kết với những người bất đồng chính kiến khác bằng cách công khai lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền đang bị nhà cầm quyền Việt Nam cầm tù, bao gồm Nguyễn Thúy Hạnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Lân Thắng, Đinh Văn Hải, Y Wo Nie, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Chí Thành, Đinh Thị Thu Thủy, Bùi Văn Thuận,” vẫn theo tổ chức nhân quyền có trụ ở New York, Hoa Kỳ.
Phó Giám đốc, đại diện HRW ở khu vực châu Á, ông Robertson nói: “Sự coi thường quyền tự do ngôn luận của giới lãnh đạo Việt Nam thậm chí còn lan sang cả những nhà hoạt động đã hát một vài bài hát chỉ trích họ. Liên minh Châu Âu, đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam có điều kiện về nhân quyền, và các đối tác thương mại khác, nên lên án chính phủ vì những vi phạm nhân quyền liên tục của họ.”