Thống kê sơ bộ cho thấy có ít nhất 5 người chết và mất tích cùng nhiều nhà cửa, nông sản bị hư hại vì Bão Bebinca (hay Bão số 4) gây ra tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Kontum.
Truyền thông trong nước loan tin như vừa nêu vào ngày 17/8.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), cho biết trên địa bàn có 2 người chết do bị nước cuốn tại bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu. Thông tin ban đầu cũng cho biết một phụ nữ tại bản Na Chừa, xã Mường Thanh (Thanh Hóa) tử vong vì đá lở khi đang trên đường lên đồi hái rau vào sáng 17/8 lúc trời mưa lớn.
Tại các huyện Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ (Nghệ An) đã có mưa lớn dẫn đến mực nước ở các sông, suối lên cao; nhà cửa, hoa màu của người dân bị cuốn trôi và ngập úng. Theo thống kê của toàn tỉnh Nghệ An, đã có hơn 400 hecta lúa, 320 hecta hoa màu, và 28 hecta cây ngô bị hư hại; 23 hecta diện tích nuôi cá ao hồ bị ngập; khoảng 1700 con gia cầm và 30 con lợn bị chết. Riêng tại huyện Kỳ Sơn, đã có 19 ngôi nhà bị ngập, 4 căn bị nhấn chìm trong nước.
Ngoài ra, tình trạng ngập sâu từ 0,5 đến trên 2m xảy ra tại trên các đoạn đường giao thông và các cây cầu tại huyện Nghĩa Đàn, Nghĩa Bình, Nghĩa Thịnh (Nghệ An) khiến giao thông của hàng ngàn hộ dân bị chia cắt và cô lập. Chính quyền được nói đã lập hàng rào chắn, biển báo cấm một số đoạn đường không để người dân và các phương tiện lưu thông vì nguy hiểm.
Bão số 4 chuyển thành áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ vào Thanh Hóa cũng khiến hàng chục điểm ở huyện miền núi Mường Lát bị sạt lở nghiêm trọng vì mưa lớn. Tính đến 10 giờ sáng ngày 17/8 đã có 17 điểm sạt lở, hầu hết là ở dọc tuyến quốc lộ 15C trên địa bàn 3 xã Pù Nhi, Trung Lý, Nhi Sơn. Tại 3 điểm ở xã Nhi Sơn, giao thông được thông báo hoàn toàn bị tê liệt.
Khoảng 500/600 hồ chứa ở toàn tỉnh Thanh Hóa đã đầy nước, trong đó 124 hồ được cảnh báo không đảm bảo an hoàn.
Ngoài ra, tình hình lũ tại các con sông cũng được dự báo sẽ xảy ra với lượng nước lớn từ thượng nguồn đổ về.
Báo trong nước cho biết chính quyền địa phương đang thực hiện sơ tán các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm và chuẩn bị lương thực cho người dân trong trường hợp mưa lớn có thể tiếp tục xảy ra.
Thống kê của cơ quan chức năng Việt Nam cho thấy từ đầu năm cho đến cuối tháng 7 đã có gần 200 người bị thiệt mạng, mất tích và bị thương do mưa bão, lụt lội, lũ quét, đất chuồi gây nên.