Trên 63.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động có thời hạn hoặc chờ giải thể trong 8 tháng đầu năm, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư) cho biết như vậy hôm 29/8.
Theo báo cáo, trong 8 tháng đầu năm, cả nước có gần 87.500 doanh nghiệp được thành lập với tổng số vốn khoảng 900.000 tỷ đồng.
Các ngành nghề thường có xu hướng gặp khó khăn được công bố là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, chế biến, chế tạo, nghệ thuật, vui chơi – giải trí, thông tin – truyền thông. Trong đó, ngành buôn bán sửa chữa xe máy, ô tô có số doanh nghiệp đóng cửa lớn nhất với 3.500 doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm.
Cục Đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, số doanh nghiệp chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng cao trong 8 tháng đầu năm 2018 cho thấy hoạt động của doanh nghiệp Việt đang gặp nhiều khó khăn.
Cơ quan chức năng nhà nước xác định một phần nguyên nhân số doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ giải thể tăng là vì một số ngành có xu hướng tái cơ cấu mạnh mẽ trong hầu hết các tiêu chí như dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, giáo dục, khoa học – công nghệ, thiết kế, quảng cáo…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định việc địa phương triển khai công tác làm sạch dữ liệu nhằm loại bỏ các doanh nghiệp thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động cũng là một trong những nguyên nhân khiến con số tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao.