Luật sư: 19 trong 29 bị cáo Đồng Tâm nói bị tra tấn trong giai đoạn điều tra

Một luật sư vào trưa ngày 9-9-2020 tiết lộ một chi tiết bất ngờ xảy ra vào cuối giờ xử ngày thứ 2 (8-9) trong vụ án Đồng Tâm đó là các bị cáo đồng loạt khẳng định mình bị tra tấn trong giai đoạn điều tra.

Luật sư Đặng Đình Mạnh tường thuật lại trên Facebook cá nhân: "Lúc 6h20', trời Hà Nội đã tối hẳn. Trong phiên tòa có một luật sư lớn tuổi đề nghị cho nghỉ vì đã quá trễ, nhưng chủ tọa bác bỏ yêu cầu đó và cho phiên tòa tiếp tục. Chủ tọa mời các luật sư tham gia xét hỏi và luật sư Đặng Đình Mạnh giơ tay xin phép Hội đồng Xét xử tham gia xét hỏi.

Đầu tiên chủ tọa phiên tòa từ chối với lý do luật sư Đặng Đình Mạnh đã tham gia xét hỏi rồi; nhưng ông nêu qui định luật không hạn chế việc xét hỏi của luật sư. Ngoài ra ông lập luận thêm là câu hỏi phát sinh trong quá trình theo dõi sự xét hỏi của đồng nghiệp. Ông nói chỉ xin hỏi 1 câu ngắn rồi quay xuống hàng ghế những người bị truy tố nêu câu hỏi chung với tất cả 29 bị cáo rằng “ Nếu những ai CÓ bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì ngồi yên. Nếu những ai KHÔNG bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì vui lòng giơ tay.”

Đáp lại câu hỏi của luật sư Đặng Đình Mạnh có 10 cánh tay giơ lên. Như vậy có 19 người thừa nhận họ bị tra tấn trong giai đoạn điều tra.”

Vào tối ngày 8-9-2020, luật sư Ngô Anh Tuấn công bố bản ghi chép về phiên tòa Đồng Tâm ngày thứ hai cho thấy ông Lê Đình Công khai trong giai đoạn điều tra ông bị đánh hàng ngày bằng dùi cui cao su.

"Bị đánh mười ngày như một. Ông Phạm Việt Anh dùng dùi cui cao su đánh!" - ông Công trả lời câu hỏi của luật sư Đặng Đình Mạnh về việc có hay không bị cơ quan điều tra bức cung nhục hình.

Riêng ông Bùi Viết Hiểu (77 tuổi) khi bị Hội đồng xét xử đặt câu hỏi về nguồn gốc đất đồng Sênh, ông cũng trả lời rõ ràng rằng "Bị cáo là chủ nhiệm Hợp tác xã, bị cáo nắm rõ nguồn gốc 59,6 ha đất đồng Sênh là đất nông nghiệp của người dân Đồng Tâm. Các cụ cao niên gần 90 tuổi ở địa phương đều công nhận với chúng tôi nội dung trên."

Ông Hiểu cũng khẳng định việc thành lập Tổ đồng thuận hồi năm 2012 là để chống tham nhũng và nhiều cán bộ ở xã đã phải đi tù trước sự tố cáo của Tổ đồng thuận.

Ông Bùi Viết Hiểu nói thêm rằng "Tường rào xung quanh sân bay Miếu Môn đã được quân đội xây xong từ trước tết dương lịch nên kế hoạch bảo vệ xây tường rào chỉ là cái cớ để tấn công những người dân Đồng Tâm để xử lý người biết rõ về nguồn gốc đất đồng Sênh".

Khi được xem đoạn clip nhận tội trước cơ quan điều tra ông Hiểu khẳng định bị điều tra viên bắt ép: "Tôi nghe rõ và những lời khai này nhưng đó là những lời do điều tra viên bắt tôi phải nói đúng như vậy."

Các thông tin này đều không được báo đài nhà nước Việt Nam đăng tải.

Vụ xử 29 người dân Đồng Tâm bị cáo buộc tội giết người và chống người thi hành công vụ liên quan đến vụ cưỡng chế đất đai ở Đồng Tâm hôm 9/1/2020 dự kiến kéo dài 10 ngày.

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam phải có cuộc điều tra độc lập và minh bạch về vụ tấn công của cảnh sát vào Đồng Tâm, đồng thời cho quan sát viên quốc tế vào theo dõi phiên toà vì lo ngại có tra tấn và ép cung đối với các bị cáo.