Cư dân mạng tại Việt Nam tiếp tục có ý kiến về đoạn video clip cho thấy hàng chục công an huyện Đông Anh, Hà Nội, biểu tình đòi đất ngày 11/11.
Những hình ảnh trong video cho thấy chừng chục người mặc sắc phục ngành công an, căng nhiều băng rôn đỏ ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm,” “Nhà xây bất hợp pháp trên đất dự án của cán bộ chiến sĩ công an Đông Anh phải dỡ bỏ", “Mỗi người chúng tôi phải đóng trên 100 triệu đồng 17 năm nay không có đất nhà vì kẻ sâu mọt đục khoét"...
Nhiều blogger bình luận rằng cuộc biểu tình hôm 11/11 cho thấy sau khái niệm “dân oan”, đến nay đã có “công an oan" phải xuống đường đòi đất.
Liên quan vụ việc vừa nêu, một bài trên báo Pháp Luật Việt Nam hồi năm 2016 ghi rõ "Công an huyện Đông Anh có chủ trương xây dựng nhà ở thì tất cả các cán bộ chiến sĩ đều ủng hộ và hết sức vui mừng. Với hy vọng có một nơi ở mới để "an cư lạc nghiệp", nên họ sẵn sàng bán nhà ở quê, thế chấp tài sản ngân hàng, vay mượn khắp nơi để có tiền nộp. Nhưng rồi, 14 năm trôi qua, dự án vẫn "án binh bất động", các cơ quan chức năng thì lại xử lý theo kiểu "ném đá ao bèo" khiến không ít cán bộ chiến sĩ rơi vào tình cảnh "sống dở, chết dở".
Bài báo cũng cho hay hồi năm 2002 Công an huyện Đông Anh có đơn xin cấp 2,2 hec ta đất thuộc Trung tâm thương mại Đông Anh để tiến hành lập dự án xây dựng nhà ở (dự án) cho các chiến sĩ công an. Theo đó, Ban chỉ huy Công an Đông Anh đã lập ra “Hội đồng phân phối nhà đất ở” (Hội đồng) và chọn ra được 198 chiến sĩ công an đủ tiêu chuẩn được phân phối nhà đất ở.
Bài báo cho biết thêm: "Hội đồng ấn định thu của mỗi cán bộ chiến sĩ 125 triệu đồng. Tổng cộng số tiền thu được qua 6 đợt từ năm 2002 đến năm 2006 là hơn 24 tỷ đồng. Hiện tại, dự án vẫn "án binh bất động", trong khi đó, nhiều cán bộ chiến sĩ phải bán nhà ở quê, thế chấp tài sản ngân hàng lấy tiền đóng góp với hi vọng sẽ có được nơi ở mới ổn định. Nhưng rồi, nhà và đất vẫn chẳng thấy đâu mà nợ nần thì chồng chất."
Trách nhiệm trong vụ này được cho là thuộc về Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng An Thịnh mà bài báo nêu cáo buộc “vi phạm pháp luật, trốn thuế, có dấu hiệu lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tiền đóng góp của cán bộ chiến sĩ công an Đông Anh”.
Hôm 12/11, phóng viên RFA gọi vào số tổng đài của Công an huyện Đông Anh, nhưng người trực ban không xác nhận và cũng không phủ nhận cuộc biểu tình hôm 11/11.
Người này không cho biết danh tính và nói thêm:
"Anh có vấn đề gì thì trực tiếp đến huyện để có thể lấy thông tin. Chúng tôi không có trách nhiệm và không phải là cơ quan để trả lời vụ đó được. Cái đó thì anh phải đến tận nơi, chúng tôi không thể bảo có hay không vụ đó được. Tôi không phải là cơ quan phát ngôn để trả lời vấn đề đó. Đặc biệt với cơ quan báo chí phải có bộ phận riêng để trả lời vấn đề đó."
Cùng ngày, ông Trịnh Bá Phương, một trong những dân oan Dương Nội nói với RFA:
"Sự việc của nhóm công an ở Đông Anh thì có chi tiết đặc biệt. Chính lực lượng công an trước đây luôn nói người dân oan biểu tình đòi đất là vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng. Rồi họ vin vào lý luận nhà nước cộng sản Việt Nam chưa ban hành luật biểu tình, Quốc hội, chính phủ vẫn đang nợ luật biểu tình với dân. Thì nay chính công an mặc sắc phục họ thừa biết luật như vậy nhưng họ không còn cách nào khác, ngoài việc lẽ ra họ phải gửi đơn kiến nghị lên cấp trên, qua trình tự thủ tục khiếu kiện khiếu nại theo đúng quy định pháp luật, nhưng mà chính họ phải chọn phương án cuối cùng là biểu tình."
Ông Trịnh Bá Phương lý giải thêm rằng có thể những công an huyện Đông Anh nhận ra rằng khiếu kiện thông thường “thì dễ bị đá bóng, bị cấp trên làm ngơ, để các vụ kiện kéo dài mấy chục năm nay như của dân oan Dương Nội”.
Bên cạnh đó, ông Trịnh Bá Phương nhận xét về những điểm giống và khác nhau giữa biểu tình của “dân oan” và “công an oan":
"Tôi thấy một nhóm công an nhìn thấy biểu tình là họ đến xử lý tình huống đó. Một nhóm công an đứng bên ngoài đường, họ cũng lúng túng, không biết phải ứng xử sao, có thể bắt những người biểu tình mặc sắc phục kia về đồn vì tội gây rối trật tự công cộng hay là bắt bỏ tù họ hay không. Họ có phần bối rối, biểu hiện của họ là phải có ý kiến của cấp trên thì họ mới được phép hành động như bắt người hay đánh người như với dân oan chúng tôi, tùy tiện biểu tình thì họ có thể đánh đập, bắt lên xe buýt và đưa về đồn thẩm vấn, đến đêm mới thả ra cơ."
Anh Trịnh Bá Phương nêu ra điểm khác biệt giữa biểu tình của công an đòi nhà, đất và biều tình của người dân như bản thân anh Phương nằm ở chỗ dân oan người dân không nằm trong hệ thống chính quyền, nên khi đi biểu tình họ gặp rất nhiều sự đàn áp khốc liệt, bị đánh đập tàn khốc. Đối với nhóm công an biểu tình vào ngày 11 tháng 11 thì anh Phương thấy chưa bị đánh đập gì. Tuy nhiên, xét về mặt chính trị, theo anh Trịnh Bá Phương thì trong suy nghĩ của 90 triệu dân Việt Nam, hay trong suy nghĩ quốc tế nhìn nhận đất nước đang đến hồi mạt vận. Chế độ cộng sản Việt Nam đang tạo ra bất công đến mọi tầng lớp trong xã hội, không phải chỉ là người công dân bình thường mà cả công chức cũng trở thành nạn nhân của chế độ cộng sản hiện nay. Chế độ không đảm bảo quyền con người, khiến họ có nguy cơ trở thành nạn nhân của chế độ.