Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề biển và thủy sản của Ủy ban Châu Âu dự kiến sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 để xem xét việc gỡ ‘thẻ vàng’ về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định (IUU) đối với ngành này của Việt Nam.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 24/4, dẫn phát biểu của ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản tại hội nghị về các biện pháp khẩn cấp gỡ ‘thẻ vàng’ của EU đối với hải sản Việt Nam được tổ chức hôm 23/4.
Tin cũng cho biết, nếu Việt Nam không thực hiện các biện pháp quyết liệt để kịp thời giảm bớt việc đánh bắt cá bất hợp pháp theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, Việt Nam có nguy cơ cao sẽ nhận thẻ đỏ, tương đương với lệnh cấm thương mại hoàn toàn đối với xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu.
Vào ngày 23 tháng 10 năm 2017, EU đã đưa ra cảnh báo chính thức rằng họ sẽ cấm nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam nếu chính phủ Hà Nội không áp dụng các biện pháp để giải quyết việc đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát.
Ủy ban Châu Âu (EC) quy định rằng Việt Nam cần hoàn thành 9 khuyến nghị để dỡ bỏ ‘thẻ vàng’. Những vấn đề bao gồm sửa đổi khung pháp lý để đảm bảo tuân thủ các quy tắc quốc tế và khu vực áp dụng cho việc bảo tồn và quản lý tài nguyên thủy sản; đảm bảo việc thực thi và thi hành hiệu quả theo luật sửa đổi; tăng khả năng truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm thủy sản; ngăn chặn việc bán các sản phẩm của IUU; và tăng cường thực hiện hiệu quả các quy tắc và biện pháp quản lý quốc tế.
Đợt kiểm tra đầu tiên vào tháng 5/2018 đã dẫn đến việc gia hạn thẻ vàng thêm 6 tháng, sau khi EC tìm thấy một số thiếu sót trong việc thực hiện các khuyến nghị.
Đợt kiểm tra thứ hai được lên kế hoạch diễn ra vào tháng 11/2018, nhưng hoãn lại cho đến tháng 5 năm nay.
Báo cáo từ Tổng cục Thủy sản năm 2018 cho thấy đã tìm thấy 137 tàu đánh bắt trái phép trong lãnh hải nước ngoài, tăng 46 tàu so với năm trước, chủ yếu tập trung vào vùng biển Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Indonesia và Brunei.
Kể từ đầu năm nay, Việt Nam có 26 vi phạm ở vùng biển nước ngoài.
Đại diện Bộ Công an cho biết ngư dân cố tình vi phạm các quy định đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài do lợi nhuận cao.