Liên Âu gọi Việt Nam là “chế độ đàn áp” trong báo cáo nhân quyền mới nhất

Báo cáo thừa nhận nỗ lực của Liên minh Châu Âu trong việc bảo vệ những nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam gặp nhiều giới hạn.

Hôm 13 tháng 6, cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Liên Âu công bố báo cáo về các hoạt động hỗ trợ những nhà hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới của Liên minh Châu Âu.

Báo cáo trên cung cấp thông tin về tình trạng mà các nhà hoạt động nhân quyền trên toàn cầu phải đối mặt, trong đó thừa nhận rằng dù đã được công nhận ở nhiều quốc gia, nhưng những người bảo vệ nhân quyền vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Hai quốc gia được nêu tên trong báo cáo này để làm ví dụ cho tình trạng những nhà hoạt động nhân quyền bị đàn áp là Việt Nam và Trung Quốc.

Thậm chí Việt Nam còn được dùng là trường hợp điển hình để minh hoạ cho những nỗ lực của Liên minh Châu Âu trong việc giúp đỡ giới hoạt động ở tại quốc gia có chế độ đàn áp.

Ở quốc gia có Đảng Cộng sản độc tôn lãnh đạo này, báo cáo trên cho rằng những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền bị kiểm soát ngặt nghèo, và thành quả mà Châu Âu đạt được trong lĩnh vực nhân quyền ở đây là không đồng nhất.

Cụ thể, báo cáo này chỉ ra chính quyền Việt Nam một mặt sẵn sàng đàn áp những người hoạt động nhân quyền một cách trắng trợn, đơn cử như vụ bắt giữ những người đã gặp mặt với phái đoàn Liên minh Châu Âu hồi năm 2017.

Nhưng mặt khác, chế độ cai trị ở quốc gia Đông Nam Á này cũng sẵn sàng thoả hiệp để đặt được lợi ích, ví dụ như những vụ thả tù nhân chính trị và để họ đi tị nạn ở nước ngoài trước thềm sự kiện ký hiệp định thương mại tự do với Liên Âu.

Trao đổi với Đài Á châu Tự do, luật sư Nguyễn Văn Đài, cựu tù nhân chính trị được nêu tên trong báo cáo này, cho biết ông công nhận rằng Liên minh Châu Âu chú trọng đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, tuy nhiên cách tiếp cận của khối này cần phải thay đổi:

“Những chính sách của Liên minh Châu Âu lại luôn luôn đều đều với nhau, chứ họ không thay đổi.

Ví dụ như lúc mà họ áp lực được thì họ thoả mãn với những thành tích mà họ đạt được ở Việt Nam trong việc cải thiện tình trạng nhân quyền, nhưng khi Việt Nam thẳng tay đàn áp một cách rất là ác đối với những nhà hoạt động nhân quyền trong nước, thì chính sách của Liên minh Châu Âu vẫn như vậy thôi.

Họ không không có vấn đề chế tài, hay không có trừng phạt, hay những hành động mạnh mẽ hơn để cho nhà nước Cộng sản thấy rằng khi họ đàn áp mạnh thì họ phải chịu chế tài hay sự lên án mạnh mẽ hơn.

Cho nên nó không có tính hiệu quả, lúc hiệu quả lúc không.”

Còn nhà hoạt động Đặng Bích Phượng từ Hà Nội thì có đánh giá khắt khe hơn, bà cho biết theo đánh giá của mình thì Liên minh Châu Âu không tạo ra được bất cứ thay đổi nào đối với tình hình nhân quyền ở Việt Nam, bà nói:

“Tôi cho rằng mọi chính sách ngoại giao của họ đối với tình hình nhân quyền ở Việt Nam đều không có tác dụng gì. Có lên tiếng chỉ trích cũng chỉ vậy. Họ không thực tâm muốn ép chính quyền Việt Nam trong vấn đề nhân quyền, bởi vì họ vẫn muốn đảm bảo các lợi ích khác như kinh tế và chính trị.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài thì cho rằng chính quyền Việt Nam biết cách khai thác vấn đề dân chủ, nhân quyền trong bang giao với Phương Tây.

Khi cần Châu Âu và Hoa Kỳ giúp đỡ thì chính quyền sẽ nới lỏng sự kiểm soát, nhưng khi đã đạt được mục đích rồi thì sẽ quay ngoắt và tăng cường đàn áp trở lại.

Để đưa ra một số ví dụ về các tuyên bố gần đây, báo cáo cũng cho biết vào tháng 12 năm 2021, người phát ngôn của Cơ quan Đối ngoại Châu Âu đã thay mặt EU đưa ra một tuyên bố, kêu gọi trả tự do cho nhà báo và blogger Phạm Đoan Trang, người bị kết án chín năm tù 'với cáo buộc mập mờ' là tuyên truyền chống nhà nước.