Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa yêu cầu vay nợ nước ngoài thêm vì nhu cầu vốn đã “vượt trần” Quốc hội cho phép là hơn 59 nghìn tỷ đồng.
Theo báo Vietnamnet, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, tổng nhu cầu vốn vay nước ngoài dự kiến hơn 359 ngàn tỷ đồng, trong khi Quốc hội chỉ giao hạn mức là 300 ngàn tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, trong số 59 ngàn tỷ đồng “vượt trần”, số vốn tăng thêm tại dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm 29 ngàn tỷ, dự án đường bộ cao tốc là hơn 13,1 ngàn tỷ đồng...
Theo giải thích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc tăng vốn các dự án đường bộ cao tốc tới 13,1 ngàn tỷ đồng là do chuyển đổi cơ chế, từ vay lại, sang Nhà nước đầu tư trực tiếp đối với các dự án giao thông do Tổng công ty Đầu tư đường cao tốc (VEC) và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi). Trong đó riêng dự án của VEC là 12,7 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn cần bổ sung không ảnh hưởng tới các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội phê chuẩn, có thể đáp ứng bằng điều chuyển trong khuôn khổ 2 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển đã được Quốc hội thông qua.
Theo báo cáo của Bộ tài chính, tính đến tháng 9 năm 2016 nợ công của Việt Nam đạt 61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và con số này tăng lên gần 65% vào thời điểm 2017-2018. Tốc độ tăng nợ công của Việt Nam gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng của GDP. Năm 2017, vay đảo nợ lên đến 95 ngàn tỷ đồng. Cứ 3 tháng 1 lần, Việt Nam phải trả nợ công gồm cả gốc và lãi với số tiền khoảng 25 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ đô la Mỹ.