Tại hội thảo “Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước” do viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức vào ngày 19/7, các chuyên gia kinh tế Việt Nam kêu gọi thay đổi cách thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước để tránh thua lỗ.
Các chuyên gia trích Báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội (2018) về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa, giai đoạn 2011 – 2016. Kết luận của báo cáo cho biết việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm trong quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói tại hội thảo rằng quản lý rủi ro tại các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được quan tâm, thậm chí bị bỏ quên. Theo bà Phạm Chi Lan, sở dĩ như vậy là vì doanh nghiệp nhà nước làm việc theo tư duy lời ăn, lỗ nhà nước chịu, rủi ro không phải là vấn đề lớn với họ.
Các thông tin đưa ra tại hội thảo cho thấy, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước giảm trong giai đoạn 2011 – 2016 : cụ thể là tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu giảm 39%, chỉ số lợi nhuận trên vốn giảm 30%. Cũng trong giai đoạn này, tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ không giảm. Báo cáo năm 2016 cho thấy có 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ - con lỗ lũy kế trên 17.000 tỷ đồng.
Để đối phó với tình trạng làm ăn thua lỗ tại các doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo vốn chủ sở hữu của nhà nước tại các doanh nghiệp này, ngày 3/2 vừa qua Thủ tướng chính phủ đã ban hành nghị quyết thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban này thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý tổng số vốn lên đến 5 triệu tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kêu gọi trao quyền cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và thu hẹp các đầu mối giám sát vì hiện nay có quá nhiều bộ, ngành tham gia vào việc giám sát trong khi hiệu quả lại không cao.
Tập đoàn Điện lực nộp ngân sách giảm
Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong báo cáo gửi đến Bộ kế hoạch và Đầu tư mới đây cho biết tổng doanh thu ngành điện có sự tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn từ 2015 – 2017, từ khoảng 243 ngàn tỷ đồng lên gần 300 ngàn tỷ đồng. Thu nhập của tập đoàn năm 2017 đã tăng 7,8% so với năm trước đó.
Báo cáo cho thấy lợi nhuận trước thuế của EVN trong năm 2017 tăng 28% so với năm trước đó, đạt hơn 6 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên mức nộp ngân sách của EVN trong năm 2017 lại giảm 7,3% so với năm trước đó.
EVN đặt mục tiêu doanh thu năm 2018 là hơn 328 ngàn tỷ đồng.