Báo cáo Minh bạch của Facebook mới công bố gần đây cho biết từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020, hãng này đã chặn 834 hạng mục ở Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Thông tin Truyền thông và của Bộ Công an.
Các nội dung này, theo báo cáo của Facebook, đã vi phạm Nghị định 72 vì chống Đảng, Chính phủ, đưa tin sai về đại dịch COVID-19, quảng bá đánh bạc trực tuyến vi phạm pháp luật, quảng cáo và bán hàng trái pháp luật, giả mạo thông tin cá nhân.
Facebook cho biết, sau khi xem xét các đề nghị của Chính phủ Việt Nam, phía công ty đã xác định việc hạn chế tiếp cận 14 tài khoản là sai và đã sửa lại lỗi sai này tại thị trường Việt Nam.
Hôm 1/12 vừa qua, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế - Amnesty International cáo buộc Facebook và YouTube đã đồng loã với Chính phủ Việt Nam nhằm kiểm duyệt các nội dung được cho là chỉ trích chính phủ. Điều này góp phần giúp Chính phủ Việt Nam gia tăng việc bắt bớ, bỏ tù những người có tiếng nói ôn hoà trên mạng.
Theo Ân Xá Quốc Tế, đến lúc này, Việt Nam vẫn giam giữ khoảng 170 tù nhân lương tâm, trong số này có 69 người bị kết tội vì các hoạt động trên mạng.
Hồi đầu tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong năm 2020, Facebook đã gỡ 286 tài khoản bị cho là giả mạo, trong đó có 50 tài khoản bị nói là giả mạo các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Số còn lại, theo ông Hùng, là tài khoản tuyên truyền thông tin “giả mạo, xấu, độc kích động chống nhà nước”.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Thông tin Truyền thông, trong năm 2020, Facebook đã gỡ bỏ hơn 2.000 bài viết có phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong năm 2020, Facebook đã quyết định chặn tiếp cận tại Việt Nam đối với 6 nội dung của Đài Á Châu Tự Do. Các nội dung này có liên quan đến các bài viết phân tích về Đại hội Đảng 13 sắp diễn ra vào tháng 1/2021 và tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam. Facebook hồi cuối tháng trước cũng hạn chế một nội dung khác của RFA nhưng sau đó cho biết đã gỡ bỏ lệnh này vì nhầm lẫn.