Gian lận điểm thi ở Hòa Bình: 15 người bị truy tố

Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao hôm 23/10 vừa có cáo trạng truy tố 15 bị can trong vụ án gian lận điểm thi Trung học Phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2018 xảy ra tại Hoà Bình.

Theo truyền thông trong nước, các bị can này gồm các cán bộ giáo dục, công an ở Hòa Bình đã cấu kết với nhau để sửa bài thi, nâng điểm cho 65 thí sinh. Trong số đó, đã có 45 em đã bị buộc thôi học.

Theo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình, bị can Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng phòng khảo thí Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hòa Bình và 14 bị can khác cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Riêng bị can Đỗ Mạnh Tuấn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở (THCS) và THPT huyện Lạc Thủy, còn bị truy tố thêm về tội “Nhận hối lộ”; bị can Hồ Chúc, giáo viên Trường THPT Thanh Hà bị truy tố thêm về tội “Đưa hối lộ”.

Theo cáo trạng, trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình, Nguyễn Quang Vinh có vai trò chủ mưu, đã cùng các bị can khác lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, cấu kết, can thiệp nâng điểm cho 65 thí sinh gồm 64 em thi năm 2018 và 1 em dự thi năm 2017.

65 thí sinh này đã sử dụng kết quả sai nói trên để xét tốt nghiệp THPT và dự tuyển vào các trường đại học. Trong đó, có 45 thí sinh trúng tuyến, đã bị buộc thôi học; 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển; 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học; 1 thí sinh xét nhưng không trúng tuyển; 3 thí sinh không xét tuyển.

Trong kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông Trung học năm 2018, các cơ quan chức năng đã phát hiện một loạt vụ gian lận điểm thi tại nhiều tỉnh trên cả nước. Những tỉnh có nhiều gian lận bị điều tra là Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, Lạng Sơn.

Chiều 22/10/2019, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM phát biểu tại Phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội tại tổ rằng "Có những người ra toà mà nói không còn liêm sỉ. Điều này đánh mất niềm tin của nhân dân.

Thủa chúng tôi đi học, đi thi, chỉ hơn nhau 0,5 điểm là đã không còn cơ hội. Vậy mà giờ để xảy ra gian lận nghiêm trọng như vậy, cướp đi cơ hội của bao người vậy mà những cán bộ, lãnh đạo làm sai vẫn không ăn năn"

Mạng báo Dân trí cũng dẫn lời bà Lan cho hay, phải xem lại đạo đức công vụ, thậm chí là đạo đức của những cán bộ làm quản lý vì nó đã phá vỡ những cố gắng chung trong quá trình xây dựng đất nước tốt đẹp hơn.

Hồi giữa tháng 10, các cán bộ lãnh đạo liên quan đến vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La đã biện minh hành động của mình như: nhờ nâng điểm để "tạo phúc", hay nâng điểm cho hơn 100 thí sinh chỉ "tự nguyện".

Thậm chí, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng tỉnh Sơn La khai trước tòa án về việc nhận 1,04 tỷ đồng sau khi sửa điểm thi cho 4 thí sinh thi THPT hồi năm 2018 là do "quá vất vả".

Tòa án hai tỉnh Hà Giang và Sơn La vào tuần qua khởi sự xét xử vụ gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 xảy ra tại hai tỉnh này.