Khuyến khích nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo nguồn cung nội địa

Thêm hàng loạt cửa hàng xăng dầu tại tỉnh Đắk Lắk đã đóng cửa vì không có xăng dầu để bán. Một lãnh đạo Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đắk Lắk cho truyền thông Nhà nước hay thông tin trên trong ngày 9/2.

Cũng theo Cục QLTT, toàn tỉnh Đắk Lắk có 21 doanh nghiệp đầu mối với 457 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Chỉ trong ngày 9/2, qua kiểm tra, QLTT phát hiện 19 cửa hàng đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Lý do các chủ doanh nghiệp xăng dầu đưa ra là ngoài việc khan hiếm xăng dầu thì hiện mỗi lít xăng dầu họ bán ra thị trường đều bị lỗ từ 100-500 đồng/lít, chưa tính các khoản chi phí lương nhân viên, điện, khấu hao, hao hụt...

Trước đó, hôm 8/2 hàng chục cửa hàng xăng dầu tại các tỉnh miền Tây cũng thông báo đóng cửa do hết xăng và lỗ vốn.

Trong ngày 9/2, Bộ Công thương đã có cuộc họp khẩn bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước được tờ Đại Đoàn Kết dẫn lời khẳng định Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch chạy đủ 100% công suất từ ngày 13/3/2022. Ngoài ra các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù thiếu hụt từ sản xuất trong nước.

Cụ thể, theo ông Đông, Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20/2/2022 là 26.000m3 xăng và 42.000m3 dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu.

Cũng tại cuộc họp, Bộ Tài Chính đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Công Thương linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu theo diễn biến giá xăng dầu thế giới. Khuyến khích các thương nhân kinh doanh xăng dầu có thể nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác nhau để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.

Ngoài ra, Chính phủ nên cho phép Bộ Công Thương sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ quốc gia để bù đắp và bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.