Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế ngày 16/8 yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bình Dương xác minh làm rõ và xử lý các tập thể, cá nhân liên quan việc 5 bệnh viện tỉnh này từ chối cấp cứu bệnh nhân khiến một người tử vong.
Truyền thông nhà nước dẫn công văn của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết về tin loan truyền trên mạng xã hội hôm 14/8 việc “5 bệnh viện ở Bình Dương không nhận cấp cứu rồi bệnh nhân về nhà và chết”. Cục đề nghị làm rõ và kỷ luật những người liên quan bằng hình thức tạm đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động, hành nghề nếu có sai phạm.
Ngoài ra, công văn còn yêu cầu chấn chỉnh các cơ sở y tế trên địa bàn vừa tham gia phòng chống dịch, vừa khám chữa bệnh bình thường. Bộ Y tế yêu cầu phải cấp cứu kịp thời, chữa bệnh, dành tối thiểu 40% giường bệnh để tiếp nhận điều trị người nhiễm COVID-19. Đồng thời báo cáo kết quả xác minh trước ngày 17/8.
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho truyền thông biết, hơn một tháng qua các cơ sở y tế, đội ngũ y bác sĩ phải vừa chống dịch vừa cấp cứu thông thường nên hầu hết rơi vào tình trạng quá tải. Tuy nhiên Ông Minh yêu cầu các cơ sở y tế không được nơi nào tự ý đóng cửa hoặc đuổi bệnh nhân và không được xảy ra việc đùn đẩy bệnh nhân.
Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết ngay cả bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương là tuyến trên cũng đang rơi vào tình trạng quá tải. Cơ sở vừa điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tầng ba vừa chữa bệnh thông thường với rất nhiều bệnh nhân nên các phòng khám, cơ sở y tế tuyến dưới chuyển lên. Các bệnh nhân cũng phải chờ theo thứ tự và ưu tiên ca bệnh nặng cần cấp cứu. Ông cũng đề nghị các cơ sở không được từ chối bệnh nhân, đối với bệnh nhân cấp cứu cần giữ lại, sơ cứu nếu bệnh nhân quá nặng thì chuyển viện lên tuyến trên.
Trước đó, một bệnh nhân nam (57 tuổi) tử vong được xác định là do đột quỵ, người nhà ông đã đưa ông đến nhiều cơ sở y tế nhưng không được tiếp nhận dẫn đến tử vong vào đêm 14/8. Năm cơ sở y tế bao gồm Trung tâm Y tế TP Dĩ An, phòng khám đã khoa Ngọc Hồng, Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện Đa khoa An Phú và phòng khám Nam Anh đều từ chối bệnh nhân vì cho rằng các cơ sở đang điều trị nhiều bệnh nhân COVID-19 nên sợ bị lây nhiễm chéo. Do đó người nhà bệnh nhân phải chở ông về nhà và đến rạng sáng ngày 14/8 thì qua đời.
Trong cùng ngày 16/8 Sở y tế TPHCM cũng gửi văn bản khẩn cấp yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn TP phải sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám, cấp cứu cho dù người bệnh có mắc COVID-19 hay không.