FLC nhận 19 quyết định cưỡng chế từ Cục thuế Hà Nội

Tập đoàn FLC cho biết đã nhận được 19 quyết định của Cục Thuế thành phố Hà Nội về việc cưỡng chế thi hành quyết định về thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng.

Tổng số tiền FLC bị cưỡng chế gần 93 tỷ đồng gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền phạt chậm nộp…

Truyền thông loan tin trên trong ngày 7/3, nêu rõ, các tài khoản của FLC bị cưỡng chế mở tại các ngân hàng gồm Vietcombank, Agribank, BaoVietBank, LPBank, VietinBank, PVComBank, BIDV, MSB, Techcombank, Standard Chartered, MBB, NCB, VIB, Sacombank, PG Bank, TPBank, VPBank, VietBank, OCB.

Tháng trước (23/2), Tập đoàn này cũng nhận được các quyết định của Cục thuế TP Hà Nội về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, với tổng số tiền hơn 91 tỷ đồng.

Hôm đầu tháng 1/2024, Cục thuế TP Hà Nội cũng có quyết định cưỡng chế gần 90 tỷ đồng gồm thuế chậm nộp thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền phạt vi phạm hành chính bằng biện pháp trích tiền từ các tài khoản của FLC tại ngân hàng.

Đối với khoản nợ thuế quá hạn hơn 678 tỷ đồng tại Cục thuế TP Hà Nội, tỉnh Quảng Bình, Chi cục thuế TP Hạ Long, Sầm Sơn - Quảng Xương và tiền thuê đất tại Ban quản lý Khu kinh tế Quy Nhơn, Tập đoàn FLC bị Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

Vào tháng Mười năm ngoái, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng ra quyết định cưỡng chế hơn 81,6 tỷ đồng tiền thuế đối với Tập đoàn này với lý do tương tự.

Từ tháng 2/2023, cổ phiếu FLC đã bị hủy niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) do chưa công bố các báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2021, năm 2022 cùng BCTC quý I, II, III/2023 và BCTC bán niên 2023 đã được soát xét.

Hoạt động kinh doanh của tập đoàn đa ngành này bị xáo trộn nhiều kể từ khi ông chủ của tập đoàn -tỷ phú Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam với cáo buộc có hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” và “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” hồi tháng 3/2022.