Dịch bênh tay chân miệng đang bùng phát tại Việt Nam và có thể lặp lại nguy cơ đại dịch như năm 2011.
Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin này vào ngày 3 tháng 10, trích dẫn thêm từ Bộ Y tế cho biết tính đến ngày 1 tháng 10 thì cả nước có đến 53.500 người nhiễm bệnh tay chân miệng, bao gồm 26.000 ca nhập viện điều trị và 6 ca tử vong ở 5 tỉnh thành. Ngoài ra dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Cụ thể, chỉ trong 2 tháng 8-9, số ca bệnh đã tăng đột biến 50% so với các tháng trước. Trong đó, tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Tây Ninh và Hà Nội.
Giám đốc Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư – Bác sĩ Phan Trọng Lân nói với báo giới trong nước rằng dịch tay chân miệng hiện nay có chủng vi rút EV71 và chủng C4. Đây là 2 chủng có trong đại dịch tay chân miệng năm 2011, từng khiến hơn 70.000 người nhiễm bệnh với 145 trường hợp tử vong.
Theo ông Lân, những trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng trong năm nay đa số do các phụ huynh tự điều trị tại nhà, chỉ đến khi trẻ chuyển nặng mới đưa đến bệnh viện. Đây cũng là lý do chính khiến 61% trường hợp trẻ tử vong trong đại dịch tay chân miệng năm 2011.
Trong buổi giao lưu trực tuyến ‘Vì sao bệnh tay chân miệng đang có diễn biến bất thường’ được tổ chức vào sáng ngày 3 tháng 10, Bác sĩ Phan Trọng Lân giải thích bệnh tay chân miệng lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa.
Do đó, Bác sĩ Lân cũng khuyến cáo rằng phụ huynh cần phải đưa con đến các cơ sở y tế nếu thấy trẻ có biểu hiện sốt, đau họng, cơ thể có các phỏng nước. Đặc biệt cần đưa trẻ đi khám nhanh nếu trẻ sốt cao không hạ, ói nhiều, tay chân lạnh, thở mạnh, giật mình trên 2 lần trong 30 phút.