Toà án Nhân dân TPHCM ngày 20/11 tuyên phạt cựu trung úy công an Võ Thành Đạt 12 năm tù giam về tội “sử dụng nhục hình” do đã gây ra cái chết của một nghi can trong nhà tạm giữ Công an Quận 11.
Mạng báo Thanh niên cho biết, Đạt còn bị kết án một năm tù giam về tội thiếu trách nhiệm để người bị tạm giam trốn, tổng hợp hình phạt là 13 năm tù.
Hai bị cáo khác là hai tù hình sự Quách Bảo Lâm bị tuyên phạt 8 năm sáu tháng tù và Lữ Hoài Thanh bị tuyên phạt 7 năm sáu tháng tù, cùng về tội dùng nhục hình.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, nghi can Triệu Quang Bình ra đầu thú trong một vụ trộm cắp tài sản và bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an Quận 11 cuối tháng 2/2022.
Trong ca trực của tổ trưởng quản giáo Võ Thành Đạt, ông Bình bị cho là có biểu hiện bất thường, quậy phá trong buồng giam nên Đạt đã ba lần tự ý trích xuất ông Bình cùng với các tù nhân đang thi hành án phạt tù là Bảo Lâm và Hoài Thanh ra khỏi buồng giam.
Đạt cùng Lâm và Thanh đánh ông Bình khiến người này tử vong. Kết luận giám định pháp y cho thấy nạn nhân bị suy hô hấp do phù phổi cấp trên cơ thể đa chấn thương phần mềm.
Bình luận về mức án, một luật sư ở Hà Nội, người không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, cho rằng việc kết tội ba người nói trên vẫn ở mức nhẹ. Theo ông, hành vi của họ có thể bị buộc vào tội danh “cố ý giết người” với khung hình phạt lên đến mức chung thân hoặc tử hình.
Trong khi đó, mức án đối với cán bộ quản giáo Võ Thành Đạt chỉ nằm ở mức thấp nhất trong khung hình phạt về tội "sử dụng nhục hình" quy định từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội nhục hình và làm chết nạn nhân.
Hội đồng xét xử đánh giá hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín ngành công an, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người khác, tuy nhiên, tòa cũng ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, Võ Thành Đạt phạm tội lần đầu, được gia đình bị hại xin giảm nhẹ nên tuyên mức án trên.
Hồi tháng 8, LHQ công bố Báo cáo quốc gia của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn, cho biết nước này đã ban hành 3 luật, 11 nghị định và 68 thông tư nhằm ngăn chặn các hành vi tra tấn và các hành vi đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác.
Tuy nhiên, tình trạng nghi can bị tra tấn trong trại giam và trại tạm giam tới nay không được khống chế một cách hiệu quả. Trong khoảng từ năm 2020 đến nay, có ít nhất 9 trường hợp nghi can bị chết trong quá trình hỏi cung được báo chí Nhà nước phản ánh với nhiều dấu hiệu bị tra tấn.