Bộ Ngoại giao: GFI xếp hạng Việt Nam đứng đầu về rửa tiền là không chính xác

Báo cáo của Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (Global Financial Integrity-GFI) xếp Việt Nam là quốc gia hàng đầu về hoạt động rửa tiền là không chính xác, cũng như không phản ánh đúng thực tế và quyết tâm của Chính phủ Hà Nội trong việc phòng, chống rửa tiền.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng đã bác bỏ báo cáo của GFI như vừa nêu tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 3 tháng 10, với các dẫn chứng được đưa ra rằng hoạt động rửa tiền tại Việt Nam bị pháp luật nghiêm cấm và bị xử lý nghiêm khắc theo Luật Phòng, Chống rửa tiền, đã được ban hành hồi năm 2012.

Bà Lê Thị Thu Hằng còn nhấn mạnh rằng Chính phủ Việt Nam trong tháng 5 năm 2019, đã ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020, đồng thời đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống tài chính-ngân hàng theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nhằm quản lý hiệu quả trong việc phòng chống tội phạm trong lĩnh vực này, trong đó có rửa tiền.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam còn khẳng định kết quả phòng, chống rửa tiền của Chính phủ Hà Nội được các tổ chức quốc tế, trong đó có Nhóm Châu Á-Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (APG), mà Việt Nam là thành viên, ghi nhận và đánh giá cao.

Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (GFI), có trụ sở ở Mỹ, trong năm 2019 công bố một nghiên cứu cho thấy Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về nhận được dòng tiền bất hợp pháp từ hình thức rửa tiền dựa trên thương mại. GFI cho biết nghiên cứu được thực hiện trong 10 năm từ năm 2006 đến 2015, dựa theo các dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

GFI ghi nhận chỉ riêng trong năm 2015, Việt Nam đã thu về 22, 5 tỷ đô la Mỹ (USD). Hai quốc gia lần lượt được xếp hạng sau Việt Nam là Thái Lan (20, 9 tỷ USD) và Panama (18, 3 tỷ USD).