Hối lộ toàn cầu ước tính khoảng 1000 tỷ đô la Mỹ (USD) và tham nhũng trên toàn thế giới lên đến 2.600 tỷ USD, chiếm 5% GDP hàng năm.
Cố vấn khu vực về phòng chống tham nhũng Đông Nam Á-Thái Bình Dương, ông Francesco Checchi, cho biết thông tin vừa nêu tại Tọa đàm về Công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam, diễn ra vào ngày 20 tháng 12, là Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng.
Ông Francesco Checchi cho biết thêm rằng ngân sách của các nước đang phát triển bị mất đi do tham nhũng được Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc ước tính gấp 10 lần giá trị viện trợ chính thức và trên thực tế thì con số này lớn hơn nhiều.
Tại buổi tọa đàm, ông Francesco Checchi nhấn mạnh Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng (UNCAC) hồi cuối tháng 6 năm 2009 và ông đề nghị Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và truyền thông báo chí vào Chu trình đánh giá UNCAC, cũng như đẩy mạnh sự tham gia của xã hội dân sự cùng các cộng đồng vào quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách phòng chống tham nhũng.
Đại diện của Việt Nam gồm Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm và Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, ông Ngô Mạnh Hùng, tại buổi tọa đàm giới thiệu về Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 mới được Quốc Hội thông qua, thay thế luật cũ năm 2015 và cho biết Việt Nam đã hoàn thành hai giai đoạn trong việc thực hiện Công ước UNCAC và đang tiến hành giai đoạn 3, là giai đoạn đánh giá toàn diện việc thực hiện công ước này.
Chiến dịch phòng chống tham nhũng do ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam tiến hành trong thời gian qua đã đưa một số quan chức cấp cao vào tù vì nhũng lạm công quĩ.
Người ở cương vị cao cấp nhất bị án tù trong chiến dịch này là một nguyên ủy viên Bộ chính trị, ông Đinh La Thăng. Ông này chịu tổng mức án đến 30 năm tù giam.
Tuy nhiên giới quan sát có nhận định đây là một cuộc đấu đá chính trị nội bộ hơn là công cuộc chống tham nhũng thực chất để làm sạch bộ máy lãnh đạo.