GWP tài trợ 3 triệu USD để bảo vệ các loài nguy cấp tại Việt Nam

Chương trình hợp tác toàn cầu về bảo tồn vì sự phát triển bền vững (Global Wildlife Program -GWP) đã đồng ý tài trợ cho Việt Nam 3 triệu USD từ nguồn vốn ODA dành cho chương trình bảo tồn các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam trong giai đoạn 2019-2022.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo tăng cường quan hệ đối tác về bảo tồn các loài nguy cấp và khởi động dự án WLP do Tổng cục Môi trường tổ chức tại Hà Nội ngày 10/9 và được truyền thông trong nước cho biết.

Chương trình bảo tồn được tài trợ là dự án thành phần của Chương trình Hợp tác toàn cầu về bảo tồn vì sự phát triển bền vững do Quỹ Môi trường toàn cầu Việt Nam (GEF) tài trợ, do Ngân hàng Thế giới điều phối thực hiện tại 19 quốc gia khu vực Châu Á và Châu Phi. Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tổng cục Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học là đơn vị chủ trì triển khai dự án.

Phát biểu về chương trình này, bà Nguyễn Thị Lệ Thu, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng dự án sẽ đóng góp mạnh mẽ cho công tác bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu Aichi 2020 của Công ước Đa dạng sinh học, đặc biệt là mục tiêu số 12 về ngăn chặn tình trạng tuyệt chủng và cải thiện tình trạng bảo tồn.

Các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu mà chương trình GWP hướng tới gồm: voi, tê giác, các loài thú họ mèo lớn và các loài nguy cấp theo ưu tiên của từng quốc gia, ở Việt Nam là tê tê, các loài bò sát, rùa và chim.

Việt Nam hiện vẫn còn là điểm đến và trung chuyển nhiều loài động vật quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới. Hải quan tại các sân bay, hải cảng tiếp tục bắt giữ nhiều lô hàng sản phẩm động vật quí hiếm như ngà voi, sừng tê giác … từ các nước khác đến Việt Nam.