Trong năm 2018, Hà Nội ghi nhận 12 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng trong đó có 8 trường hợp tai biến nặng sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem.
Thông tin này được báo Dân Trí loan tải ngày 16 tháng 1, trích dẫn từ số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết thêm 12 trường hợp vừa nêu được đánh giá là phản ứng phản vệ sau khi tiêm vắc xin.
Theo Dân Trí, mỗi tuần Hà Nội đều tổ chức các buổi tiêm chủng tại 584 phường xã với hơn 1 triệu 222 ngàn mũi tiêm. Trong đó, chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi – rubella với hơn 558.000 mũi tiêm được ghi nhận không có sự cố hoặc tai biến nào.
Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 2/1/2019, Hà Nội cho triển khai tiêm vắc xin ComBE Five, để phòng 5 loại bệnh bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, và viêm phổi/ viêm màng não. Đây là loại vắc xin của Ấn Độ, được Bộ Y tế sử dụng thay thế cho vắc xin Quinvaxem của Hàn Quốc.
Đã có tổng cộng 5.312 trẻ được tiêm vắc xin ComBE Five, trong đó có 180 trường hợp phản ứng thông thường, 2 trường hợp sốc phản vệ.
Gần đây nhất, vào ngày 10/1, một bé gái hơn 2 tháng tuổi ở huyện Thạch Thất, Hà Nội đã tử vong sau khi tiêm vắc xin ComBE Five vào sáng một ngày trước đó.
Trong ngày 16/1, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, nói với đài truyền hình VTV rằng nguyên nhân tử vong ban đầu của bé gái vừa nêu được đánh giá là sốc phản vệ.
Đây là trường hợp tử vong thứ 3 trên cả nước sau khi Bộ Y tế triển khai tiêm vắc xin ComBE Five trên diện rộng.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được truyền thông trong nước trích lời cho biết mỗi ngày ở Việt Nam có trung bình 20-30 trẻ em tử vong vì nhiều nguyên nhân như sặc sữa, viêm phổi… và trùng hợp ngẫu nhiên ở thời gian tiêm chủng. Do đó, bà cho rằng “Tất cả các loại vắc xin, kể cả thuốc điều trị đã tiêm vào người chắc chắn có tỷ lệ phản ứng từ nhẹ đến nặng. Nhưng trên thế giới hay tại Việt Nam, chúng ta vẫn phải tiêm vì xác suất, tỷ lệ cứu sống cao hơn rất nhiều tỷ lệ tai biến.”