Ủy Ban Nhân Dân (UBND) Thành phố Hà Nội vừa đưa ra phương án vay lại từ Trung ương hơn 2300 tỷ đồng (khoảng hơn 98 triệu USD) để giải ngân cho việc khai thác, vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 3/7 dẫn báo cáo giải trình của Thành phố Hà Nội. Theo đó thì số tiền hơn 2300 tỷ đồng được đề nghị là kinh phí cho các hạng mục như hệ thống kiểm soát vé tự động, thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu, mua sắm đầu máy và toa xe, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
UBND Thành phố Hà Nội nói các cơ quan Trung ương đã đồng ý ủy quyền cho Ban Quản lý dự án Đường sắt ký kết thỏa thuận cho vay lại phần vốn vay nước ngoài nói trên.
Lãi suất mà Hà Nội phải trả cho khoản vay hơn 98 triệu USD này được nói là 4% một năm. Trong trường hợp không trả nợ đúng hạn bất kỳ khoản nào gồm gốc, lãi phí, thành phố phải trả lãi phạt chậm bằng 150% lãi suất cho vay, áp dụng cho số ngày quá hạn.
Thành phố Hà Nội nói căn cứ vào các dư nợ hiện nay và dự kiến đến năm 2020 của Thủ đô, thì khoản vay hơn 98 triệu USD sẽ không làm vượt hạn mức vay nợ của thành phố.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt đầu tư từ năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 550 triệu USD, trong đó gần 420 triệu USD là vốn vay từ Trung Quốc.
Đến năm 2019, tổng mức đầu tư cho dự án này đã đội vốn lên hơn 880 triệu USD, với gần 670 triệu USD vốn vay từ Trung Quốc.
Dự án do Công ty Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm nhà thầu và được khởi công vào năm 2011.
Theo thống kê đến tháng 6/2019, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã gặp phải ít nhất 11 lần lùi tiến độ do các trục trặc với nhà thầu về việc tăng chi phí, giải ngân và ký kết vốn bổ sung với phía Trung Quốc.