Trên phố Hàng Bông thuộc khu phố cổ Hà Nội những ngày giáp Thượng đỉnh Mỹ Bắc Hàn, người ta có thể thấy hình ảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un trên những cái áo thun được bán ở rất nhiều các cửa hiệu. Người bán nói việc bán áo có hình hai vị lãnh đạo dịp này mang lại doanh thu gấp nhiều lần, còn người mua thì nói họ háo hức mặc áo có hình hai vị theo trào lưu. Chủ một cửa hiệu bán áo Thượng đỉnh nổi tiếng nhất dịp này là ông Trương Thanh Đức cho biết:
"Doanh số trước thì tôi gấp 4 5 lần, giờ thì gấp 12 lần. Tôi bắt đầu từ ngày 20/2 đến nay. Đến giờ đã bán được khoảng hơn 2000 cái áo"
Những cái áo được bán với giá từ khoảng 100.000 đến 150.000 đồng. Ngoài hình ảnh hai vị lãnh đạo, dòng chữ phổ biến nhất trên các áo là Peace, tức hòa bình. Người dân Hà Nội nói họ muốn hòa bình nhân dịp thượng đỉnh Mỹ Bắc Hàn lần này. Một người phụ nữ đang bận rộn chọn mua một cái áo có hình hai vị lãnh đạo dự thượng đỉnh nói:
“Chị mong là đạt được những gì mà mọi người đều mong muốn, đó là hòa bình.”
Trong khi đó, hai người bán hàng áo khác nói: "Thượng đỉnh là để bài trừ chiến tranh hạt nhân, thì là về mục đích hòa bình, ai cũng muốn hòa bình."
Vậy những người dân Hà Nội biết gì về Bắc Hàn mà họ vẫn quen gọi là Bắc Triều Tiên và Nam Hàn mà họ gọi là Hàn Quốc, họ biết gì về Chủ tịch Kim Jong Un? Những người hàng ngày sản xuất và chào bán những chiếc áo cho thượng đỉnh nói họ chỉ biết ít ít vì không quan tâm mấy tới chính trị. Nhưng họ biết Hàn Quốc nhiều hơn vì khách du lịch Hàn Quốc đến mua hàng của họ nhiều.
Tuy nhiên, những người được hỏi đều so sánh Bắc Nam Hàn với Bắc và Nam Việt Nam trước kia như người phụ nữ bán hàng ở phố Hàng Bông sau:
"Bắc Triều Tiên và Nam Triều tiên là hai nước bị chia ra như Việt Nam mình nhưng giờ chưa được thống nhất."
Phóng viên: Vậy cô có mong muốn hai nước thống nhất không?
“Cái đó là mong muốn của mọi người trên thế giới mà, vì hòa bình mà.”
Trong khi đó một người mua hàng trên phố Hàng Bông nói bà không biết nhiều lắm về Bắc Hàn và Nam Hàn nhưng cũng biết đó là một nước bị chia hai.
“Cô biết không rõ lắm nhưng cô nghĩ hai đất nước này giống Việt Nam ngày xưa, miền Bắc và miền Nam đất nước. Không gì bằng hòa bình. Và Việt Nam cũng thế. Bao nhiêu công sức mới được hòa bình. Minh cũng mong họ và rất mừng là họ được hòa bình.
Phóng viên: Vậy cô có muốn họ thống nhất giống Việt Nam không?
Có, cô rất muốn thế…. Gần đây cô thấy ông Tổng thống Bắc Triều Tiên đã có thiện chí thỏa thuận với các đất nước khác để thương lượng để dẫn đến kết quả sao cho tốt nhất để hòa bình. Còn thực tế cô không hiểu lắm.”
Một thanh niên trẻ khác tỏ ra biết hơn đôi chút về Bắc và Nam Hàn:
“Em biết là hai nước này vẫn trong chiến tranh. Em chỉ biết thế thôi. Em cũng biết là khu vực biên giới giữa hai nước là khu vực nguy hiểm nhất thế giới, rất nhiều đạn pháo ở đấy.”
Người thanh niên này, giống như những người trước cũng muốn hai miền Bắc và Nam Triều Tiên được thống nhất
Ông Trương Thanh Đức, người bán áo nổi tiếng ở Hàng Bông tỏ ra là người có nhiều thông tin và nói nhiều hơn cả về Bắc Hàn và Chủ tịch Kim Jong Un khi cho in một cái áo có hình Chủ tịch Kim Jong Un với dòng chữ Rocket Man, câu nói của Tổng thống Trump dành cho Chủ tịch Kim Jong Un khi muốn chỉ trích chương trình tên lửa của Bắc Hàn. Tuy nhiên chiếc áo vừa in ra được chưa lâu đã bị phía chính quyền yêu cầu ngưng bán. Ông Đức cho biết.
"Mình không có áo rocket man vì hiện tại chính quyền bảo là không thân thiện, nói áo rocket man là không nên mặc dù nó chỉ là dí dỏm."
Tuy nhiên cách giải thích của ông Đức lại khác hẳn ý của Tổng thống Trump
"Rocket man theo người Việt Nam tôi hiểu là có ý tốt, nó giống như iron man, đấy là những người rất giỏi, vĩ nhân. Ông Kim Jong Un là người rất giỏi thì mới trèo chống được đất nước trước kia đến giờ. Ông ấy giỏi thì ông ấy mới làm khoa học nguyên tử. Nhưng chỉ vì ông ấy hơi cực đoan nên nhân dân ông rất nghèo. Nhưng ngược lại khoa học ông đã đạt được mức độ nào đó. Ngày hôm nay ông từ bỏ vũ khí hạt nhân để mang hòa bình hạnh phúc cho nhân dân ông ấy nên từ đó tôi ra thông điệp là Peace (Hòa Bình)."
Không những thế, ông Đức còn chủ động nói đến việc gửi gạo viện trợ cho người dân Bắc Hàn.
"Tôi không phải lấy tiền cho cá nhân tôi, 10 năm nay tôi vẫn làm nước và bánh mì cho nhân dân tôi. Đặc biệt lần này tôi muốn qua các kênh truyền hình gửi 1 tấn gạo cho nhân dân Triều Tiên."
Bắc Hàn và Việt Nam là hai nước ít nhiều có những tương đồng về hệ thống chính trị khi cả hai nước đều có độc đảng lãnh đạo. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Bắc Hàn đã viện trợ cho Bắc Việt Nam lương thực và thậm chí đưa cả phi công sang chiến đấu và hy sinh ở Việt Nam. Tuy nhiên trong khi hai miền Nam Bắc Việt Nam thống nhất vào năm 1975 sau một cuộc chiến khiến khoảng 3 triệu người thiệt mạng, thì Bắc và Nam Hàn đến giờ vẫn còn chia cắt. Bắc Hàn trong thời gian qua cũng đã từng trải qua một thời kỳ khó khăn về kinh tế do các cấm vận kinh tế của phương Tây vì chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này. Việt Nam cũng đã từng viện trợ gạo cho nhân dân Bắc Hàn trong thời kỳ khó khăn này.
Nhân dịp thượng đỉnh lần này, những người dân ở Hà Nội được hỏi cố tránh nói đến cuộc chiến Việt Nam với những tổn thất to lớn về người và của. Thay vào đó họ chỉ nhấn mạnh hòa bình như một người phụ nữ mua hàng trên phố Hàng Bông bày tỏ: "Chị muốn hai nước thống nhất để hòa bình. Nếu không thống nhất thì họ cứ sống hòa bình"