Trong tháng 9 vừa qua, nồng độ bụi PA2.5 ở Hà Nội đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây và Tổng cục môi trường thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường đã khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời.
Theo báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, bụi PM2.5 từ ngày 12 tháng 9 đến ngày 30 tháng 9 được mô tả là các hạt siêu mịn, chỉ bằng 3% đường kính của tóc người với mức độ ổn định trên 50µg/m3.
Trong khi đó, tiêu chuẩn Việt Nam quy định giới hạn mức độ bụi PM2.5 an toàn là 50µg/m3 trong 24 giờ và 25µg/m3 trong một năm. Còn giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 25µg/m3 trong 24 giờ và 10µg/m3 cho một năm.
Tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ của Thành ủy Hà Nội diễn ra vào ngày 1/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết đã xác định 12 nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại thủ đô, gồm có: khí thải phương tiện giao thông; tình trạng đun bếp củi, bếp than tổ ong; bụi từ hoạt động xây dựng; bụi từ thu gom rác thải, khói bụi sản xuất…
Bên cạnh đó, ông Mai Trọng Thái – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố Hà Nội cũng cho biết thêm có 2 nguyên nhân chính là do thời tiết chuyển mùa và hiện tượng nghịch nhiệt. Ngoài ra, do diễn biến thời tiết cực đoan nên các nguồn phát thải ra không khí không thoát được, gây ra chất lượng không khí xấu.
Ông Thái dẫn thống kê của Sở Tài nguyên – Môi trường cho thấy chỉ tính riêng lượng xả thải từ bếp than tổ ong thì toàn Hà Nội hiện có 35.000 bếp, mỗi ngày sử dụng 528 tấn than, gây phát thải 1.870 tấn CO2.
Tuy nhiên, ông Thái cho biết hiện tượng ô nhiễm không khí sẽ chấm dứt vì theo dự kiến đến ngày 3/10, thành phố Hà Nội sẽ có mưa.