Số ca nhiễm COVID-19 ở TPHCM vượt mốc 100 ngàn

Sáng ngày 3 tháng 8, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 1.998 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở thành phố lên 100.557 ca, tính từ ngày 27 tháng 4. Về số ca tử vong, cho đến nay trên địa bàn thành phố Sở Y tế đã ghi nhận 1.508 ca.

Trong đợt bùng phát này, TPHCM ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 29 tháng 4, tuy nhiên phải đến đầu tháng 7 thì số ca lây nhiễm mới tăng lên nhanh chóng với mỗi ngày có thêm hơn một ngàn ca mới.

Ngày 27 tháng 7 chứng kiến số ca lây nhiễm trong ngày lập đỉnh khi chạm tới con số 6.318 ca, kể từ đó số ca nhiễm mới giảm dần theo từng ngày.

Tính đến ngày 3 tháng 8 thì đã có khoảng hai triệu người tại TP. Hồ Chí Minh được tiêm một mũi vắc-xin và khoảng 70 ngàn người đã tiêm đủ hai mũi, với ba loại vắc-xin được dùng gồm AstraZeneca, Moderna, và Pfizer.

Mới đây, chính quyền thành phố nhận được một triệu liều vắc-xin Sinopharm từ nhà tài trợ tư nhân, dấy lên tranh cãi về việc nên hay không nên sử dụng loại vắc-xin có xuất xứ từ Trung Quốc này.

Bình luận về việc số ca lây nhiễm đã vượt mốc 100 ngàn, bà Trần Phương, một người dân Sài Gòn cho rằng có hai vấn đề dẫn đến tình trạng này:

“Vấn đề thứ nhất là sự chậm trễ trong việc mua và xin tài trợ vắc-xin, trong khi đó thì tiền nằm một đống ở đó trong cái quỹ vắc-xin nhưng không được giải ngân mà lại đem đi gửi tiết kiệm. Đã vậy, đến khi bùng dịch ra, thành phố HCM là điểm nóng, đến bây giờ vẫn là điểm nóng nhất trên toàn quốc, nhưng mà cái sự phân bổ vắc-xin là không đồng đều.

Rồi thêm cái thông tin vắc-xin Trung Quốc, cái hiệu quả của nó không được đánh giá cao, rồi thêm cái tâm lý hàng Trung Quốc xưa nay đều là hàng dỏm hàng giả, thực phẩm, rau củ Trung Quốc người ta còn không dám ăn, bây giờ kêu người ta chích vắc-xin Trung Quốc vào người thì người ta đâu có dám chích.

Vấn đề thứ hai là hệ thống y tế, nhà nước lộ ra rất nhiều điểm yếu kém, nó quá tải. Rất nhiều người không đến được bệnh viện, ngay cả những người trong khu vực mình sống, mình biết những gia đình họ bị dính nhưng không đi được. Cho đến trên Facebook, thực ra nếu mà một ngày mà lướt qua cái nhóm Giúp nhau Mùa dịch thì sẽ thấy vô vàn lời kêu cứu gia đình em có người như vậy, bà con em có người như vậy. Thì người dân họ phải tự đứng lên tự giúp nhau, những cái việc đó thì rất tốt nhưng mà nó phản ánh một cái điều rằng là thế thì vai trò của nhà cầm quyền ở đâu?”

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, một người dân Sài Gòn khác thì chỉ ra rằng ngoài thất bại trong việc mua và phân bổ vắc-xin, chính quyền còn không làm được vấn đề an dân:

“Đối phó với đại dịch, ngoài vấn đề khoa học nó còn vấn đề an dân nữa. Thực sự, trong giai đoạn vừa rồi người ta không thấy được vấn đề khoa học giải quyết được cái công việc chống dịch, và an dân không giải quyết được cái tinh thần của người dân trong giai đoạn phong toả hết sức khó khăn này.

Nếu như Sài Gòn có thể kiểm soát được mọi thứ thì người ta đã không để cho dân chúng phải chạy khỏi Sài Gòn với một số lượng hàng ngàn người như vậy.

Thực sự tất cả mọi vấn đề chống dịch ở Việt Nam dựa trên hai chỉ đạo quan trọng nhất đó là chống dịch như chống giặc, và thứ hai là bảo đảm sản xuất và chống dịch thành công, đó là hai chính sách hoàn toàn phá sản trong giai đoạn này”.

Việt Nam cho đến nay đã thực hiện tiêm chủng cho khoảng sáu triệu người, tuy nhiên trong đó chỉ mới có hơn 700 ngàn người được tiêm đầy đủ hai mũi vắc-xin.