Luật sư đề nghị triệu tập Đại diện Chính phủ tại phiên phúc thẩm ông Thăng

Tòa án Nhân dân Cấp cao Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng và đồng phạm hôm 19/6/2018.

Trong phần làm thủ tục trước khi xét xử, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bất ngờ xin rút toàn bộ kháng cáo đối với trách nhiệm hình sự và dân sự, chỉ kháng cáo với tư cách có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đồng thời ông sẽ tự bào chữa cho mình do luật sư của ông có đơn xin thôi bào chữa.

Ông Đinh La Thăng – Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN cho biết vẫn giữ nguyên kháng cáo về việc xem xét toàn bộ án sơ thẩm.

Theo truyền thông trong nước thì cũng trong phần làm thủ tục, luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho ông Đinh La Thăng đề nghị triệu tập Đại diên Văn phòng chính phủ vì đây là nơi truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc góp hoặc thoái vốn của PVN vào OceanBank; mời đại diện Bộ Công thương vì đây là đơn vị chủ quản, có văn bản về việc PVN thoái vốn khỏi OceanBank; triệu tập đại diện NHNN Chi nhánh Hải Dương vì liên quan việc tăng vốn điều lệ của OceanBank.

Sau khi hội ý, chủ tọa cho biết đây là phiên tòa xét xử dài ngày nên sẽ xem xét ý kiến của luật sư Phan Trung Hoài.

Sau 5 ngày xét xử, sáng 29/3/2018, ông Đinh La Thăng bị tuyên mức án 18 năm tù và phải bồi thường 600 tỷ đồng về tội Cố ý làm trái trong vụ án gây thiệt hại 800 tỉ đồng của PVN đầu tư vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank).

Trước đó một tuần, trong phần tự bào chữa trước tòa sau khi Viện Kiểm Sát (VKS) công bố bản luận tội sáng 22/3/2018, ông Đinh La Thăng phủ nhận cáo trạng của VKS về việc ông đã có hành vi che giấu sai phạm trong việc PVN góp vốn vào OceanBank. Ông Thăng nói thêm rằng chỉ khi Thủ tướng đồng ý rồi thì PVN mới thực hiện đầu tư và ông đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét kỹ việc OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng, vì đây là căn nguyên dẫn đến sự việc hiện nay.

Trong một phiên tòa khác diễn ra vào tháng 1/2018, ông Thăng khai rằng những quyết định của ông khi còn đứng đầu Tập đoàn dầu khí Việt Nam là do đường lối của Bộ Chính trị, trong đó có quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Thế nhưng tòa án không triệu tập ông Nguyễn Tấn Dũng để đối chất.

Đó là vụ án ‘cố ý làm trái qui định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng, và ‘tham ô tài sản’ xảy ra tại Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam 9PVN) và Công ty Cổ Phần Xây Dựng Dầu Khí VN (PVC). Trong vụ này ông Đinh La Thăng bị tuyên án 13 năm tù.