HRW: Nghị định 147 của Việt Nam xiết chặt thêm quyền tiếp cận thông tin và quyền tự do biểu đạt

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ngày 11/12 ra thông cáo báo chí đề nghị Việt Nam huỷ bỏ Nghị định 147 vì quy định này có nội dung xiết chặt việc quản lý sử dụng mạng internet và luật An ninh mạng năm 2018.

Theo tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ), Nghị định 147, được Chính phủ Việt Nam ban hành tháng 11 vừa qua và có hiệu lực từ ngày 25/12 tới, gây hại tới quyền tiếp cận thông tin và quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam.

Bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á châu của HRW, được trích dẫn trong thông cáo:

"Nghị định 147 mới ban hành và các điều luật an ninh mạng khác của Việt Nam không bảo vệ được người dân trước các mối lo về an ninh mạng đúng nghĩa mà cũng không tôn trọng các quyền cơ bản của con người."

"Vì công an Việt Nam coi bất cứ ý kiến phê phán nào đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là một vấn đề an ninh quốc gia, nên nghị định này sẽ tạo thêm cho họ một công cụ nữa để đàn áp người bất đồng chính kiến," bà nhấn mạnh.

Theo HRW, nghị định này mở rộng khả năng kiểm soát của chính quyền đối với việc tiếp cận thông tin trên mạng Internet với các lý do mơ hồ như “an ninh quốc gia,” “trật tự xã hội,” và ngăn ngừa vi phạm “đạo đức, thuần phong mỹ tục” Việt Nam.

Nghị định này yêu cầu các nền tảng mạng xã hội đang cung cấp dịch vụ tới người sử dụng ở Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu về người sử dụng và cung cấp các dữ liệu đó cho chính quyền khi có yêu cầu, và gỡ bỏ bất cứ nội dung gì mà chính quyền cho là “nội dung vi phạm pháp luật” trong vòng 24 tiếng.

Nghị định cũng yêu cầu “các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài” phải xác thực tài khoản của người sử dụng bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân, làm lộ diện những người bất đồng chính kiến, thường đăng tin bài ẩn danh vì sợ nguy cơ bị bắt.

Điều 23 của nghị định yêu cầu “các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài” cung cấp thông tin xuyên biên giới sử dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam hoặc có hơn 100,000 lượt truy cập từ người sử dụng ở Việt Nam phải lưu trữ thông tin của người sử dụng dịch vụ khi đăng ký tài khoản mạng xã hội, bao gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam, và cung cấp thông tin đó cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, hoặc các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Các tổ chức và doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài được yêu cầu phải kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng trong vòng 24 giờ kể từ khi có yêu cầu của các bộ nêu trên hoặc các cơ quan thẩm quyền khác, và trong vòng 48 giờ từ khi nhận được khiếu nại của những người sử dụng khác ở Việt Nam.

HRW nhận định Nghị định 147 không đáp ứng được các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế theo nhiều khía cạnh. Các tiêu chuẩn quốc tế quy định rằng bất cứ một sự hạn chế nào đối với quyền tự do biểu đạt phải là cần thiết để thực hiện một mục đích chính đáng và phải được trình bày đủ độ chính xác để cá nhân có thể dựa vào đó mà điều chỉnh hành vi của mình cho thích hợp.

Nghị định 147 là văn bản mới nhất trong hàng loạt các văn bản pháp luật và dưới luật có nội dung hạn chế việc sử dụng và truy cập mạng internet ở Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam thông qua luật An ninh mạng bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, và gây ra biểu tình ở nhiều nơi trên toàn quốc. Năm 2024, tổ chức Freedom House liệt kê Việt Nam là một quốc gia không có tự do internet.

Theo HRW, trong năm 2024, Việt Nam đã kết tội ít nhất là 36 người và xử tù họ nhiều năm vì các bài đăng hay phát trực tiếp họ tạo trên các nền tảng Internet đã phê phán các việc làm hoặc chính sách của chính phủ. Tất cả những người này đều bị truy tố với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

"Việt Nam cần hủy bỏ Nghị định 147 và Luật An ninh mạng có nội dung vi phạm nhân quyền, và phóng thích tất cả những người đang bị giam giữ vì đã thực thi quyền tự do biểu đạt trên mạng I nternet," bà Gossman nói. "Lãnh đạo Việt Nam nên đối xử với quyền tự do biểu đạt như một quyền cơ bản của con người cần được bảo đảm chứ không phải để bóp nghẹt."