Theo dõi nhân quyền quốc tế: Nhật Bản phải nêu quan ngại nhân quyền với Việt Nam

Nhật Bản phải nêu lên quan ngại về nhân quyền đối với Việt Nam.

Đó là nội dung bức thư đề ngày 9 tháng 9 của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch gửi cho Bộ Trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ông Taro Kono, nhân chuyến thăm Việt Nam của ông này từ ngày 11 đến 13/9/2018.

Bức thư đề cập đến những tù nhân chính trị tại Việt Nam, và yêu cầu ông Kono đề cập một cách mạnh mẽ về những người tù này trong buổi gặp ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, tại Hà Nội vào ngày 11/9.

Human Rights Watch thúc giục Bộ Trưởng Ngoại Giao Nhật Bản Taro Kono công khai nêu bật những trường hợp tù nhân chính trị và mạnh mẽ chuyển tải thông điệp rằng việc tăng tiến quan hệ Việt- Nhật đòi hỏi cải thiện thành tích nhân quyền của Việt Nam.

Theo Human Rights Watch, một số vấn đề nhân quyền đặc biệt mà ông Taro Kono có thể nêu ra nhân chuyến thăm Việt Nam lần này gồm giới hạn về quyền tự do biểu đạt và hội họp; giới hạn về thực hành quyền tín ngưỡng- tôn giáo; biện pháp bỏ tù các tù nhân chính trị; việc vi phạm quyền lao động.

Human Rights Watch cho rằng nếu thành tích nhân quyền của Việt Nam không được bắt đầu cải thiện thì Nhật Bản phải xem xét lại viện trợ tài chính cho Hà Nội cũng như rà soát lại các mối quan hệ kinh tế, quân sự và an ninh với Việt Nam.

Thống kê của Human Rights Watch cho thấy tại Việt Nam hiện có 130 tù nhân chính trị. Chính phủ Hà Nội xem những người cổ xúy cho nhân quyền và dân chủ như là những tội phạm và là mối nguy cho an ninh quốc gia.

Chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm nay, có ít nhất 28 nhà hoạt động nhân quyền và bloggers bị đưa ra tòa, bị tuyên án tù nặng nề.

Thư của Human Rights Watch nên lên trường hợp tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, người bị tuyên án 16 năm tù giam chỉ vì ôn hòa vận động cho dân chủ và đa đảng tại Việt Nam. Ông Trần Huỳnh Duy Thức hiện tuyệt thực trong nhà tù kể từ ngày 14 tháng 8 nhằm phản đối những vi phạm đối với bản thân ông.