Người Thượng Việt tỵ nạn ở Campuchia lo lắng bị trục xuất

Những người Thượng tìm quy chế tị nạn ở Phnom Penh lo lắng về sự gia tăng hiện diện của cảnh sát Campuchia bên ngoài chỗ ở của họ trong hai tuần qua, vì cho rằng đó có thể là dấu hiệu họ bị trục xuất về lại Việt Nam.

Tờ Phnom Penh Post loan tin vừa nêu vào ngày 6 tháng 4, dẫn lời của một người Thượng, tên Y Rin Kpa cho biết thông thường có từ 1 đến 2 cảnh sát canh chừng bên ngoài khu chỗ ở của người Thượng Việt Nam tìm quy chế tị nạn, tại xã Choam Chao, tuy nhiên số cảnh sát tăng lên từ 8 đến 10 người kể từ ngày 20 tháng 3.

Phóng viên của Phnom Penh Post cũng đã đến hiện trường vào ngày 6 tháng 4 và ghi nhận có đến 5, 6 cảnh sát mặc thường phục ở bên ngoài khu nhà người Thượng Việt Nam đến 7 giờ tối. Một người trong số cảnh sát mặc thường phục nói với phóng viên rằng mình là cảnh sát và khẳng định sự hiện diện của cảnh sát từ 2 đến 4 người là bình thường.

Giám đốc đặc trách lo về người tị nạn của Chính phủ Campuchia, ông Tan Sovichea đã không trả lời phóng viên của Phnom Penh Post trong hai ngày 5 và 6 tháng 4, liên quan vấn đề gia tăng sự hiện diện của cảnh sát bên ngoài khu nhà ở của người Thượng Việt Nam.

Phát ngôn nhân Keane Shum của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) vào ngày 6 tháng 4 nói rằng sự gia tăng của cảnh sát vẫn duy trì, nhưng không biết được việc này sẽ kéo dài trong bao lâu.

Cô Grace Bùi, thuộc tổ chức MAP, là tổ chức thiện nguyện giúp đỡ người Thượng, trụ sở ở Bangkok, Thái Lan nói với Phnom Penh Post rằng những người Thượng ở xã Choam Chao rất lo sợ bị trục xuất về Việt Nam, nên họ chỉ ở trong nhà, không thể ra ngoài đi làm việc.

Chính phủ Campuchia từng nhấn mạnh sẽ trục xuất 29 người Thượng bị từ chối quy chế tị nạn hồi năm ngoái về Việt Nam. Những người Thượng này là những người theo đạo Tin Lành ở Cao nguyên và bị bắt bớ liên quan đến sinh hoạt tín ngưỡng của họ.

Điều phối viên Evan Jones của Chương trình Mạng lưới về Quyền của Người tị nạn ở Châu Á-Thái Bình Dương lên tiếng rằng không nên trục xuất nhóm người Thượng về Việt Nam vì có thể họ sẽ sớm bị đưa vào tù sau khi về nước, đồng thời kêu gọi Chính phủ Campuchia cho phép những người Thượng này được đi định cư ở một nước thứ ba.