Ba tàu cá Việt Nam cùng với 26 ngư dân của tỉnh Bình Thuận bị các tàu chiến của Hải quân Indonesia bắt giữ hôm 11 tháng 1 năm 2022 tại vùng biển Bắc Natuna vì nghi ngờ các tàu này đánh bắt hải sản trái phép.
Thông tin trên được website chính thức của Hải quân Indonesia cho biết hôm 12 tháng 1 và được một số trang tin của nước này đăng tải lại.
Trong số ba tàu cá đang bị giữ có một tàu mang số hiệu BTh 2121 TS và hai tàu còn lại cùng mang số hiệu BTh 2122 TS, tức là số hiệu tàu cá của tỉnh Bình Thuận.
Cả ba tàu hiện nay bị giữ tại cảng hải quân thuộc Ranai, quần đảo Riau, Indonesia. Đây là nơi xảy ra vụ việc sáu ngư dân Việt Nam trốn thoát khỏi trại giam khi đang bị giam giữ tại đây hồi năm 2018.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng phòng hành chính Chi cục thủy sản tỉnh Bình Thuận vào trưa 13 tháng 1 nói rằng, ông không nhận được tin gì từ phía Biên phòng tỉnh. Ông nói qua điện thoại như sau:
"Đối với vấn đề an ninh ngoại giao trên biển thì bên Biên phòng người ta quản lý, còn bên tụi em chỉ quản lý về bên chuyên ngành thôi. Khi nào bên Biên phòng người ta có thông tin chính thức thì em mới có thông tin để trả lời cho anh được.
Bên đó là nắm về vấn đề biên giới, nên Biên phòng là nơi nắm kỹ hơn. Em không có phát ngôn về vấn đề này được."
Theo ông này thì quy trình khi tàu cá bị hải quân nước ngoài bắt là tịch thu tàu, tạm giam ngư dân và thông báo bằng văn bản cho Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại để có phương án xử lý.
Phóng viên gọi điện thoại cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận để hỏi về vụ việc, tuy nhiên người trực máy bảo gọi cho đơn vị Tác chiến Biên phòng tỉnh. Tuy nhiên khi phóng viên gọi vào số này thì không thể kết nối.
Các số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cũng không có người nhắc máy khi chúng tôi gọi vào nhiều lần vào trưa 13/1.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng ba năm 2020, đã có khoảng 500 ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ với cáo buộc đánh bắt cá trái phép trong vùng nước của Indonesia.
Hồi tháng 9 và tháng 11 năm ngoái, chính quyền Indonesia cho phép gần 400 ngư dân Việt được về nước trên hai chuyến bay hồi hương do chính ngư dân đóng hàng chục triệu đồng mỗi người để mua vé.
Các giới chức Indo cho biết, đại dịch đã làm chậm tiến trình hồi hương các ngư dân và Chính phủ Việt Nam đã không cố gắng trong việc sắp xếp các chuyến bay hồi hương cho ngư dân của mình.
Một số ngư dân bị giam giữ ở Indonesia từng nói với RFA biết rằng, họ bị kẹt lại tại các trung tâm giam giữ nhiều tháng có khi hàng năm trời, trong khi điều kiện sinh sống gặp nhiều khó khăn, thiếu đồ ăn, thâm chí bị đối xử thô bạo và không thể về nước vì không có tiền trả vé máy bay.
Phía Indonesia bác bỏ cáo buộc bỏ đói ngư dân Việt Nam tại các trung tâm giam giữ.