Thông tin chi tiết của 100.000 tài khoản ngân hàng tại Việt Nam, bao gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, mã số thẻ ngân hàng, số dư tài khoản… đang bị rao bán với giá 500 USD.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 8/8 đồng thời cho biết người rao bán thông tin trên là một thành viên có tên ARES_BF_ACCOUNT.
Người này trong bài đăng của mình trên diễn đàn Br*.to chia sẻ hình ảnh minh họa về dữ liệu mà người này đang nắm giữ, cho thấy có chứa thông tin chi tiết của nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng ở Việt Nam.
Hiện, theo truyền thông Việt Nam, vẫn chưa rõ thành viên này đã lấy thông tin, dữ liệu của 100 ngàn người Việt từ những ngân hàng nào. Nhưng nhiều chuyên gia cho biết trên tờ VnEconomy rằng nhiều khả năng đây là thông tin của những khách hàng giao dịch tại ngân hàng, khách hàng vay tiền của các tổ chức tín dụng khi mua sắm tại các hệ thống bán lẻ, hay các trang thương mại điện tử.
Trước đó, hôm 8/7, trên một diễn đàn hacker, một thành viên rao bán dữ liệu cá nhân của 30 triệu người Việt với giá 3.500 USD, kèm thông tin bao gồm tên đăng nhập, email, số điện thoại, họ tên đầy đủ, ngày sinh, trường học và địa chỉ… và dữ liệu mới được lấy trong tháng 7/2022 từ một website trường học phổ biến ở Việt Nam. Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra.
Cũng trong năm 2022, hôm giữa tháng 5, trên diễn đàn "R***forums", một hacker khác đã rao bán thông tin cá nhân của gần 10.000 người Việt Nam, bao gồm ảnh chụp giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân ảnh/ video selfie, địa chỉ, số điện thoại và email.
Cũng trong ngày 8/8, tại kết luận phiên họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng VN Phạm Minh Chính chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện chuyển đổi số thời gian qua. Qua đó, ông Chính yêu cầu cần đẩy mạnh kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hình thành Hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, chính xác.
Ông cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).