Bộ trưởng Nội vụ Slovakia, bà Denisa Sakova hồi đầu tuần này đã có buổi hội đàm với ông Horst Seehofer, Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức tại Berlin.
Mạng Thoibao.de trích thông tin tổng hợp từ truyền thông Đức cho biết trong chương trình làm việc, hai vị bộ trưởng đã thảo luận về vụ việc Trịnh Xuân Thanh có thể đã được đưa ra khỏi khu vực Schengen bằng máy bay của chính phủ Slovakia.
Theo Thoibao.de, Bộ Nội vụ Liên bang Đức cho biết cuộc hội đàm này là do phía Slovakia yêu cầu. Trong cuộc hội đàm, Bộ Nội vụ Liên bang Đức đã lưu ý rằng các cáo buộc về việc cơ quan nhà nước Slovakia có thể dính líu đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, là nghiêm trọng, và chờ đợi vụ việc này sẽ được làm sáng tỏ một cách nhanh chóng và không giới hạn.
Trước đó, vào cuối tháng 8, theo tin được Bộ Ngoại giao Slovakia xác nhận với báo chí, vào ngày 25/07/2017 đơn xin yêu cầu cho phép chuyên cơ của chính phủ Slovakia chở phái đoàn của ông Bộ trưởng Công an Việt Nam, Tô Lâm, bay ngang qua không phận Ba Lan đã bị Ba Lan từ chối. Vì vậy, vào ngày bay 26/07/2017, phía Slovakia đã sửa đổi đơn ghi rõ rằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia chở Bộ trưởng Nội vụ Slovakia lúc đó là ông Robert Kalinak đi công tác ở Nga, mặc dù ông này không hề có mặt trên chuyến bay.
Trong khi các nhà điều tra Đức khẳng định rằng hầu như không còn hoài nghi nào về việc Trịnh Xuân Thanh đã bị đưa ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia; thì cảnh sát trưởng Slovakia, ông Milan Lucianski, lại muốn thảo luận với Đức xem liệu Trịnh Xuân Thanh có thể được đưa ra khỏi khu vực Schengen bằng một cách thức nào khác, bằng một con đường nào khác hay không?
Kết thúc buổi hội đàm, bà Bộ trưởng Sakova hứa sẽ làm hết sức mình trong khuôn khổ hỗ trợ pháp lý cho phía Đức và đảm bảo tiến độ của cuộc điều tra tại Slovakia. Về phía Đức, ông Soren Schmidt cũng cảm ơn Slovakia về sự hợp tác chặt chẽ và tốt đẹp.
Slovakia đã mở cuộc điều tra về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ ngày 3/8/2018. Trả lời báo chí Slovakia sau cuộc hội đàm tại Berlin, bà Bộ trưởng Sakova tuyên bố, nếu một khi xác định được rằng Slovakia không cố tình tham gia vụ bắt cóc, tức là bị phía Việt Nam đánh lừa, thì Slovakia sẽ có những biện pháp, hành xử trên bình diện ngoại giao.
Ông Trịnh Xuân Thanh từng là một quan chức dầu khí của Việt Nam, bị cáo buộc tham nhũng và chạy sang Đức xin quy chế tị nạn nhưng được nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin. Sau đó ông Thanh bị đưa về thành phố Brno của Séc, rồi tiếp tục được đưa đến Bratislava, thủ đô của Slovakia trên một chiếc xe do mật vụ Việt Nam thuê. Sau đó các nguồn tin nói rằng Việt Nam tiếp tục mượn máy bay của Slovakia để chở ông Thanh sang Moscow, trước khi đưa về Hà Nội.
Vụ Trịnh Xuân Thanh gây nên cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội. Đức cho ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như ngưng miễn visa cho quan chức mang hộ chiếu ngoại giao của Việt Nam.