Các nhà hoạt động ở Việt Nam bị canh, chặn nhân thượng đỉnh Trump-Kim

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch lên tiếng về vấn đề nhân quyền Bắc Hàn nhân Thượng đỉnh Trump - Kim rằng:

“Bắc Hàn rõ ràng là nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất trên thế giới hiện nay, vì vậy bất kỳ cuộc đối thoại nào với ông Kim Jong-un cũng phải đặt vấn đề nhân quyền trên bàn nghị sự.

Bình Nhưỡng muốn được cộng đồng quốc tế đưa ra khỏi tình trạng hiện nay và hòa nhập với thế giới; nhưng không thể bỏ qua thực tế nạn cưỡng bức, sử dụng lao động trẻ em tràn làn, tình trạng đàn áp có hệ thống quyền tự do biểu đạt và xã hội dân sự; cũng như những trại khổ sai trên núi giam giữ hàng chục ngàn người.

Bất kỳ tiến triển thực sự nào tại thượng đỉnh cũng đòi hỏi tối hậu là yêu cầu có cải cách ở Bắc Hàn, nhưng làm thế nào Hoa Kỳ có thể đánh giá cam kết của Bình Nhưỡng mà không đưa ra những câu hỏi mạnh mẽ ngoài chương trình nghị sự hạn hẹp về phi hạt nhân hóa mà thôi?

Thúc đẩy nhân quyền lên chương trình nghị sự tại thượng đỉnh là điều vừa đúng đắn, vừa khôn ngoan cần làm. Đó là điều thiết yếu để xây dựng một cuộc đối thoại toàn diện, bền vững với Bắc Hàn.”

Theo Reuters, hơn một chục nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Việt Nam cho biết cảnh sát đã tăng cường giám sát và ngăn cản họ rời khỏi nhà ở Hà Nội khi Việt Nam tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ và Bắc Hàn.

Một số các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam đã cho RFA biết, trước thượng đỉnh, công an, an ninh đã theo dõi, canh chặn, thậm chí đến nhà yêu cầu không đi đến khu vực diễn ra thượng đỉnh.

Bà Bùi Hằng, một nhà hoạt động ở thành phố Vũng Tàu nói với Reuters rằng nhà bà bị khóa trái cửa từ bên ngoài.

Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nói rằng Việt Nam đã chuẩn bị lòng hiếu khách và không có gì phải lo lắng khi tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn. Tuy vậy chính quyền vẫn ngăn chặn không cho người dân ra đường chào đón khách.