Du lịch lặn biển ở các khu vực dễ bị tổn hại trong vịnh Nha Trang sẽ được tạm dừng nhằm bảo vệ san hô.
Chánh Văn phòng tỉnh ủy Khánh Hòa, ông Võ Chí Vương, trong ngày 22/6 cho truyền thông biết thông tin trên.
Theo đó, tỉnh ủy Khánh Hòa đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chỉ đạo UBND TP Nha Trang tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực Hòn Mun, khoanh vùng bảo vệ các khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái (điển hình là rạn san hô và các bãi giống, bãi đẻ) của vịnh Nha Trang. Ngoài ra, lãnh đạo TP Nha Trang cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, cảnh quan vịnh Nha Trang cho người dân, du khách, các doanh nghiệp, tổ chức du lịch.
Cùng với đó, theo kết luận của tỉnh ủy, UBND tỉnh cần nghiên cứu, xem xét các đề xuất thiết lập "Khu dự trữ sinh quyển Hòn Bà - Sông Cái" và "Khu sinh thái biển quốc tế vịnh Nha Trang", đồng thời kêu gọi các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, người dân, doanh nghiệp chung tay với chính quyền để bảo tồn giá trị đặc hữu, đa dạng của vịnh Nha Trang.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh phải có kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang trong tháng 7/2022.
Ông Huỳnh Bình Thái, trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang cho truyền thông biết hiện vịnh Nha Trang có bảy điểm lặn, trong đó Hòn Mun có sáu điểm. Tuy nhiên, hiện nay có những khu vực san hô bị tổn thương nặng do đó theo yêu cầu của tỉnh ủy Khánh Hòa, ông Thái cho biết BQL Vịnh sẽ đánh giá, phân vùng lại, nhất là ở khu vực Hòn Mun sẽ phải đóng một vài điểm lặn ngắm san hô để san hô tự phục hồi. Không chỉ hoạt động lặn biển, các hoạt động khác như chèo thuyền thúng, đi tàu đáy kính ngắm san hô cũng sẽ được tạm dừng để san hô nghỉ và phục hồi.
Trước đó, Ban Quản lý vịnh Nha Trang công bố bốn điểm khảo sát trên vịnh Nha Trang và đối chiếu với tiêu chuẩn phân chia chất lượng rạn của English et al. (1997) cho thấy, khu vực Đông Bắc Hòn Mun có độ phủ san hô trung bình khoảng 41,63%, tiếp đến đều chất lượng rạn kém là Tây Bắc với 24,60% và Đông Nam 14,50%. Cuối cùng rạn san hô rất kém ở điểm khảo sát Tây Nam với 7,80%.
PGS.TS Chu Hồi, Hội Nghề cá Việt Nam cho biết trên tở Giáo dục & Thời đại rằng, mức độ suy thoái của rạn san hô Hòn Mun lên tới 60 - 90%, thể hiện qua việc giảm độ phủ san hô, sự vỡ vụn của thành tố san hô trong rạn san hô và sự suy giảm các loài quý hiếm.
Nguyên nhân suy thoái các rạn san hô này, theo TS Chu Hồi có thể do thị trường dịch vụ lặn ở đây phát triển sớm và nóng nhưng thiếu thể chế hóa, thiếu công cụ giám sát và kiểm soát tốt, khiến việc bảo tồn san hô gặp tác động rất mạnh, dẫn đến suy thoái nghiêm trọng.