Trong năm 2022 phải thanh, kiểm tra toàn bộ các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em và cơ sở tôn giáo nhận nuôi dưỡng trẻ em trong cả nước để ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.
Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung đã đưa ra yêu cầu trên sau khi báo cáo của Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 cho biết trong năm 2021, vấn nạn xâm hại và bạo lực trẻ em tăng cao hơn năm 2020, với 625 ca.
Bà Nguyễn Thuận Hải, Phụ trách tổng đài bảo vệ trẻ em 111 được truyền thông Nhà nước dẫn lời trong ngày 15/2 rằng trẻ bị bạo lực trong gia đình chiếm tỷ lệ nhiều nhất tới 75%. Trong khi đó khả năng làm việc, phối hợp giải quyết các vấn đề trên của các cán bộ cấp cơ sở lại quá hạn chế.
Ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục trẻ em thừa nhận gần đây xảy ra nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại. Lý giải vấn đề này ông Nam cho rằng do trẻ được giao cho những người chăm sóc không đủ điều kiện mà cơ quan quản lý nhà nước không nắm được, chỉnh được, hoặc các trẻ em sống ở những cơ sở chưa được cấp phép.
Qua đó, ông đưa ra những ví dụ cụ thể như trường hợp bé V.A 8 tuổi ở TPHCM bị mẹ ghẻ đánh đến chết; bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu và vụ những trẻ em sống tại Tịnh Thất Bồng Lai bị dư luận lên án thời gian qua.v.v.
Ông Nam kết luận rằng các vấn đề trên cần tính lại để đảm bảo môi trường nuôi dưỡng trẻ phải an toàn.
Từ những thông tin trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu trong năm 2022, cần thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời tất cả vụ việc xảy ra, không có vùng cấm, không có đối tượng bỏ qua. Ngoài ra, trong năm 2022, phải thanh tra, kiểm tra toàn bộ các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, làng SOS, cơ sở tôn giáo nhận nuôi dưỡng trẻ em và các tổ chức trên địa bàn cả nước.
Cùng với đó, ông Dung cho rằng cần có lộ trình hoàn thiện chính sách, pháp luật và các văn bản hướng dẫn về phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em thống nhất với Luật Trẻ em, Nghị định số 56/CP (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật nuôi con nuôi, Luật phòng, chống bạo lực gia đình) và bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.