Ba cảnh sát giao thông và một người dân đang mất tích do sạt lở tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng .
Vụ sạt lở, được truyền thông nhà nước loan, xảy ra vào khoảng 14 giờ 45 ngày 30/7 khiến lượng đất đá khổng lồ đã đổ xuống Trạm cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc thuộc thành phố Bảo Lộc, làm ba cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ giải toả ách tắc giao thông trên đèo Bảo Lộc và một người dân gặp nạn.
Ba CSGT mất tích gồm thiếu tá Nguyễn Khắc Thường, sinh năm 1981; Thượng úy Lê Quang Thành, sinh năm 1977; Thượng úy Lê Ánh Sáng, sinh năm 1990 và một người dân tên Ngọc Anh (đang làm việc gần đó đến hỗ trợ di chuyển đồ đạc).
Ông Bùi Duy Anh - trưởng văn phòng quản lý đường bộ 4.1 - cho biết trên tờ Tuổi Trẻ rằng các đơn vị liên quan đang huy động toàn bộ thiết bị để khắc phục. Hiện tại thời tiết rất bất lợi khi mưa lớn dai dẳng nên tiến độ chậm.
Cũng theo ông Anh, do sạt lở ở Đèo Bảo Lộc nên xe từ Đà Lạt về TP.HCM sẽ đi theo hướng quốc lộ 28B, 28 và 55 về cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Ngược lại từ TP.HCM lên cũng sẽ ra cao tốc và lên các tuyến đường trên.
Trong ba ngày qua, khu vực đèo Bảo Lộc và tỉnh Lâm Đồng có mưa lớn liên tục. Trong sáng 30/7, đèo Bảo Lộc xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất, đá lăn gây ách tắc giao thông. Toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông chốt đèo Bảo Lộc phải thực hiện cứu hộ, điều phối giao thông để giải phóng các điểm ách tắc trên đèo.
Trước đó (29/7), mưa lớn gây ngập cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đoạn thuộc địa phận huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, làm hư hỏng một đường gom dân sinh cạnh tuyến cao tốc.
Theo đánh giá ban đầu của đại diện Ban quản lý dự an Thăng Long thuộc Bộ Giao thông Vận tải, nguyên nhân ngập vị trí nêu trên do khu vực tỉnh Bình Thuận rạng sáng nay mưa rất lớn, kèm theo đó là kênh mương khu vực ở phía hạ lưu thoát không kịp, tràn ra phạm vi đường cao tốc gây ngập cục bộ.
Để khắc phục triệt để tình trạng ngập thời gian tới, Ban quản lý dự án Thăng Long đã yêu cầu tư vấn thiết kế và các bên liên quan có mặt tại hiện trường cùng kiểm tra, đánh giá và đề xuất giải pháp khắc phục.
Về phương án khắc phục, Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ báo cáo Bộ Giao thông vận tải sau khi nghiên cứu đầy đủ và phương án chi tiết của tư vấn thiết kế.
Trong khi đó, theo các chuyên gia giao thông, cao tốc ngập là chuyện xưa nay hiếm, bởi cao tốc thường được thiết kế nền cao, chia cắt khu dân cư hai bên. Để tránh chuyện ngập làm hư hỏng mặt đường, theo các chuyên gia, cần rà soát khâu thiết kế, khâu thi công và xem xét khả năng thoát nước của hệ thống cống lưu vực xung quanh.