472 dự án thuỷ điện, 8 dự án thuỷ điện bậc thang ở các lưu vực sông, 213 điểm tiềm năng cho phát triển thuỷ điện đã được đưa ra khỏi quy hoạch.
Đó là công bố của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh tại phiên họp chiều 4/11 nhằm giải trình về tác động của các dự án thuỷ điện tới môi trường. Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tải thông tin trên vào cùng ngày.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện cả nước có 429 đập thủy điện, các công trình thủy điện với các quy mô khác nhau, dung tích chứa nước khoảng 56 tỷ m3 và đóng công suất 20.000 MW (chiếm 37% công suất phát cả nước). Theo ông, đây là nguồn năng lượng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ nhu cầu đời sống người dân và là năng lượng tái tạo quan trọng, mức độ ô nhiễm ít.
Bộ trưởng Công thương cũng cho rằng kể từ năm 2016, Bộ đã phối hợp với các bộ ngành tuyệt đối không bổ sung dự án thủy điện nào nếu sử dụng diện tích đất rừng tự nhiên.
Liên quan đến tình hình lũ lụt tại một số tỉnh miền Trung diễn ra vừa qua, nhất là việc thuỷ điện Đắk Mi 4 bất ngờ xả lũ trong đêm 28/10 khiến hàng trăm hộ dân ở huyện Nam Giang, Quảng Nam bị ngập và trôi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho là, việc sạt lở đất gây tổn hại nghiêm trọng về người và của ở Quảng Trị, Quảng Nam, Huế gắn chặt với yếu tố dị thường và cực đoan của thời tiết. Sự tác động của thủy điện cũng không thể phủ nhận nhưng chỉ ở chừng mực nhất định.
Tuy vậy, liên quan việc mất rừng đầu nguồn và thảm thực vật, Bộ trưởng Công Thương cho biết "không thể phủ nhận tác động của nhiều yếu tố, trong đó có việc xây dựng thu ỷ điện".
Ông Tuấn Anh cũng thừa nhận rằng trước kia có rất nhiều dự án thủy điện chiếm đất rừng tự nhiên và gây ra những ảnh hưởng đến rừng đầu nguồn, ảnh hưởng đến chức năng của rừng trong phòng hộ nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
Do đó ông khẳng định, thời gian tới Bộ sẽ tham mưu Chính phủ siết chặt hoạt động thuỷ điện, hạn chế những tác động tiêu cực do thuỷ điện gây ra.