Vườn quốc gia Bạch Mã thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế ghi nhận khoảng 130 cá thể voọc chà vá chân nâu liên tục xuất hiện tại rừng Bạch Mã để kiếm ăn.
Báo Nông Nghiệp Việt Nam ngày 15 tháng 3 trích lời ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã cho hay, đàn vọọc chỉ mới quay lại núi 3, 4 năm nay, cho thấy sinh cảnh tại Vườn Quốc gia Bạch Mã đang được quản lý, bảo vệ an toàn.
Vườn quốc gia Bạch Mã có trên 1.700 loài động vật hoang dã, trong đó có đến 69 loài động vật quý, hiếm đưa vào Sách Đỏ Thế giới và Việt Nam, như sói lửa, cầy mực, báo hoa mai, sao la, gà lôi lam mào trắng…
Một thời gian dài, do tác động của con người, nên số lượng cá thể voọc chà vá chân nâu xuất hiện tại núi Bạch Mã giảm đáng kể.
Tại tỉnh Quảng Nam, để bảo tồn loài voọc, tỉnh này đang xây dựng Đề án phục hồi rừng, đảm bảo sinh cảnh sống cho hơn 60 cá thể Voọc chà vá chân xám đang sinh sống ở khu vực xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành. Đề án này sẽ thực hiện từ năm 2021 đến 2030.
Cũng tin liên quan, để trả lại tập tính tự nhiên cho loài khỉ, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng lập ‘biệt đội’ canh gác hàng trăm con khỉ trên núi Sơn Trà để chúng không mò xuống đường xin đồ ăn của người dân.
Nguyên nhân là do trong khoảng hai năm qua, tình trạng khách tham quan thường xuyên cho khỉ ăn đã vô tình tập cho loài vật này tập tính xin ăn như vừa nêu. Thay vì kiếm ăn trong rừng, hàng trăm con khỉ ở núi Sơn Trà thường xuyên mò xuống các tuyến đường lớn tại bán đảo để chờ đợi người dân, du khách cho ăn.
Theo báo trong nước, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà đã tuyển được 10 tình nguyện viên từ 19 đến 35 tuổi, phần lớn là các bạn sinh viên đang theo học tại các trường đại học ở địa phương, thực hiện nhiệm vụ ứng trực, canh gác bầy khỉ tại các chốt từ Miếu Đôi đến các khu vực gần chùa Linh Ứng.