Ông Đặng Đình Mạnh, luật sư thường nhận bào chữa cho các bị cáo trong những vụ án liên quan đến chính trị, nhân quyền bị một số người mặc thường phục cố ý ngăn không cho ra khỏi nhà để gặp phái đoàn của Quốc Vụ Khanh về Tư pháp Cộng hòa liên bang Đức đang làm việc tại TPHCM vào trưa ngày 30 tháng 9 năm 2019.
Luật sư Mạnh xác nhận thông tin này với phóng viên Đài Á Châu Tự Do vào trưa ngày 1 tháng 10 và cho biết đây là lần đầu ông bị như vậy.
"Có một số anh em họ mặc thường phục, họ đến họ nói là muốn được tôi tiếp và tôi mới nói nếu như vậy thì mời lên văn phòng làm việc. Họ nói không, họ muốn được tôi tiếp ở nhà. Họ ngồi đó cho đến quá buổi trưa thì họ về. Nôm na là tôi không ra khỏi nhà được!"
Theo vị luật sư thuộc đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh thì ông có hỏi nguyên do cũng như những người này là ai nhưng không được hồi đáp thỏa đáng.
Luật sư Đặng Đình Mạnh phán đoán rằng, có ai đó không muốn ông dự họp để có thể cung cấp những thông tin, quan điểm, cách nhìn của ông và sẽ không tốt đối với chính quyền.
Luật sư Lê Công Định, một luật sư chuyên về thương mại, nhân quyền từng bị công an Việt Nam bỏ tù vì những việc làm của mình tiết lộ có 5 luật sư được mời để cung cấp cái nhìn bao quát về hệ thống luật pháp của Việt Nam cho phái đoàn.
Duy chỉ có ông Mạnh là bị ngăn chặn mặc dù theo luật sư Định phía Đức đã kịp thời lên tiếng phản đối với Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Đài Á Châu Tự Do đã liên hệ với Đại sứ quán Đức ở Hà Nội để xác định thông tin này và chưa nhận được phản hồi
Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét về hệ thống luật pháp Việt Nam trong những năm vừa qua như sau:
"Với tôi có 2 vấn đề cần lưu ý đó là, thứ nhất là về mặt thể chế luật pháp thì những quy định ra sau này dường như là tiến bộ hơn rất nhiều. Nó gần như là tiệm cận với luật pháp của nhiều quốc gia trên thế giới.
Điều này rất là tốt, một phần cũng là do những hiệp ước mà Việt Nam ký với những quốc gia khác. Do ký như vậy nên mình (Việt Nam - PV) buộc phải sửa luật để phù hợp với cách chơi của họ, nên đó là điều tích cực.
Tuy nhiên điều tích cực đó chỉ thể hiện trên mặt thừa hành luật pháp thôi, tuy nhiên thực tế hiện nay việc thừa hành luật pháp không phải do những người soạn thảo mà do những người cũ.
Những người cũ này họ làm nên họ vẫn giữ nếp, quan điểm theo cách cũ. Cách cũ là cái mà mình mong phải được sửa đổi."
Ngay trong ngày 30-9 và 1-10-2019, nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội và Sài Gòn cũng bị lực lượng an ninh ngăn chặn, theo dõi do trùng với kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHND Trung Hoa.